Tuyển sinh 2020: Sẽ tích hợp Quy chế tuyển sinh chính quy với tại chức
Lượt xem: 386 Ngày đăng: 14/02/2020
Dân trí Chiều nay 13/2, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học, cao đẳng. Theo đó, sẽ có một số điểm mới so với năm trước.
Ngoài ra, sẽ quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực…) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.
Tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe.
Đặc biệt là bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.
Quy định chế tài chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh… để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học.
Ngoài ra, từ năm 2020, Bộ sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp; trình độ CĐ chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non.
Tổ hợp bài thi phải có một trong 2 môn thi toán, ngữ văn
Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020 mà Bộ GD&ĐT đã công bố để lấy ý kiến góp ý có quy định, nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển.
Cụ thể, việc công bố các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển.
Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp);
Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán, Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Về xét tuyển, thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan.
Bộ GD&ĐT cho phép các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.
Hồng Hạnh