Logo

Trẻ em phát triển chiều cao như thế nào?

Lượt xem: 266 Ngày đăng: 23/11/2020

Giai đoạn phôi thai

Xương phát triển từ lớp trung bì và phát triển qua 3 giai đoạn: màng, sụn và xương. Bộ xương màng ở người hình thành vào tháng thứ nhất của bào thai. Màng biến thành sụn vào đầu tháng thứ hai và được thay thế dần bằng xương ở cuối tháng này của phôi. Bước sang tháng thứ 3, thai nhi với phần khung xương phát triển rất nhanh, với sự phân chia rất rõ ràng các khớp khuỷu, đốt ngón ở cả bàn tay và bàn chân. Sang tháng 5-6, các khớp ở tay và chân đã bắt đầu cử động. Ở tuần thứ 18, chân tay bé có thể vung, đạp. Sang tháng 7-8, cơ phát triển quanh xương. Tháng cuối cùng của thai kỳ, về cơ bản xương của bé đã thành xương cứng với đầy đủ các bộ phận nhưng xương vẫn rất mềm.

Giai đoạn sau khi sinh:  Bộ xương người chia làm ba phần là xương đầu, xương thân và xương chi. Người ta phân chia thành 4 loại xương là: Xương dài; xương ngắn; xương dẹt, xương hình bất định. Nơi tiếp giáp giữa các đầu xương gọi là khớp.

Hình 1: Bộ xương người nhìn từ đằng trước

Hình A, ở trẻ em (có sụn phát triển ở các đầu xương (màu xanh). Hình  B, ở người lớn (không còn sụn phát triển ở đầu xương).

Cấu tạo của xương

Hình 2: Cấu tạo xương dài ở trẻ em với sụn phát triển ở đầu xương.

Cấu tạo của xương dài: Hai đầu xương là mô xương xốp chứa tủy đỏ xương. Bọc hai đầu xương là lớp sụn. Đoạn giữa là thân xương hình ống, cấu tạo gồm màng xương mỏng ở ngoài cùng, vỏ xương và khoang xương chứa tủy xương.

Cấu tạo xương ngắn, xương dẹt, xương bất định: bên ngoài là mô xương cứng, bên trong là mô xương xốp chứa tủy xương.

Sự phát triển của xương diễn ra như thế nào?

Ở trẻ sơ sinh phần lớn các xương được tạo nên bằng chất liệu sụn, và khi trẻ phát triển, sụn này dần dần biến thành xương – qua một tiến trình gọi là tiến trình cốt hóa. Xương to ra về chiều ngang là nhờ các tế bào màng xương phân chia tạo ra những tế bào mới đẩy tế bào cũ vào trong rồi hóa xương. Xương dài ra là nhờ quá trình phân bào ở sụn tăng trưởng còn được gọi là các điểm cốt hóa của xương. Với các xương dài chúng nằm ở đầu xương và khi trưởng thành sẽ cốt hoá và hoà nhập với thân xương. Các xương ngắn, xương dẹt đều có sụn tăng trưởng là phần sụn bao bọc xung quanh. Ở trẻ nhỏ, thành phần chủ yếu của các xương ở vùng cổ chân và cổ tay là sụn nên chưa hiện hình trên phim. Các sụn tăng trưởng ban đầu là tổ chức sụn không cản quang, sau đó cốt hóa dần mới hiện hình trên phim chụp. Mỗi sụn tăng trưởng được cốt hóa ở mỗi một thời điểm khác nhau của tuổi đời.Vì vậy, chúng hiện hình trên phim X quang cũng ở các thời điểm cũng khác nhau.

Trẻ em lớn lên như thế nào?

Trẻ lớn lên theo chiều cao khi các xương của cháu phát triển dài ra và to ra. Ở các xương dài, sức tăng trưởng này không diễn ra trên toàn bộ chiều dài của các xương mà chủ yếu là ở hai đầu xương do sự phát triển của sụn tăng trưởng, đặc biệt là ở các vị trí đầu xương ở gần gối, gần khớp vai, gần cổ tay. Sự tăng trưởng xẩy ra từ từ trong suốt thời thơ ấu. Tuy nhiên đến tuổi dậy thì, con trai và con gái đều bộc phát lớn hẳn lên. Đến tuổi thanh niên, xương phát triển chậm lại rồi không phát triển dài ra nữa. Khi đó sụn tăng trưởng ở đầu xương không còn khả năng hóa xương do đã biến đổi thành xương, vì thế trẻ không cao thêm, trên phim chụp XQ của xương sẽ không thấy hình ảnh sụn tăng trưởng ở đầu xương nữa. Như vậy, khi đi chụp XQ chi dưới mà thấy hiện hình ảnh sụn tăng trưởng thì không thể cao hơn được nữa. Con gái thường ngừng phát triển chiều cao sớm hơn con trai khoảng 1 hay 2 năm, nên chiều cao trung bình ở con trai lớn hơn con gái.

Hình 3: Sự phát triển của xương qua các giai đoạn

 

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108