Tổng quan về các dụng cụ xịt hít sử dụng trong bệnh lý hô hấp
Lượt xem: 48 Ngày đăng: 10/06/2021
Dụng cụ xịt hít là phương thức điều trị phổ biến trong các bệnh lý hô hấp như hen suyễn hay bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD). Dụng cụ xịt hít được thiết kế để tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ của thuốc so với đường dùng toàn thân. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả tối ưu của thuốc phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật hít của bệnh nhân. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dụng cụ xịt hít khác nhau với nguyên lý hoạt động khác nhau. Bài viết này sẽ cho quý độc giả cái nhìn tổng quan về các dụng cụ xịt hít phổ biến trên thị trường và cơ chế hoạt động của các dụng cụ này. Bài viết chỉ trình bày về các dụng cụ xịt hít cầm tay, không bàn về loại máy khí dung dùng để xông hít
- Các loại dụng cụ xịt hít
Có 3 dạng dụng cụ xịt hít chính: Dụng cụ xịt hít dùng chất đẩy (metered dose inhaler – MDI); dụng cụ xịt hít bột khô (dry powder inhaler – DPI); dụng cụ xịt hít hạt mịn (soft mist inhaler – SMI).
- Dụng cụ xịt hít dùng chất đẩy MDI
Cấu tạo dụng cụ: Dụng cụ có hình chữ L, bao gồm 2 thành phần chính là buồng áp lực bằng nhôm với gốc van và phần thân bằng vở nhựa với ống van dẫn thuốc có đầu ngậm.
Thành phần thuốc: Thuốc được chứa trong buồng áp lực ở dạng dung dịch hoặc ở dạng hỗn dịch cùng với các chất khí đẩy, chất bảo quản, chất bề mặt. Các dụng cụ xịt hít chứa hỗn dịch giúp vận chuyển thuốc đều cho thuốc chứa 1 hoặc nhiều thành phần.
Nguyên lý hoạt động: Thuốc được giải phóng ra ngoài không khí khi người dùng ấn buồng áp lực xuống phần thân, đẩy thuốc ra ngoài. Đây là loại dụng cụ yêu cầu người dùng phải thực hiện thao tác và phối hợp nhịp thở chính xác để đảm bảo hiệu quả. Để thuốc có thể đi vào cơ thể người dùng cần hít chậm và sâu tại thời điểm thuốc được giải phóng ra ngoài dụng cụ. Một nhược điểm của dạng dụng cụ này là thuốc thường được xịt ra nhanh hơn người dùng có thể hít vào. Nếu người dùng không hít đủ dài, thuốc sẽ bám vào phía sau họng và lưỡi thay vì đi xuống vùng sâu hơn.
Để khắc phục tình trạng này, có thể dùng thêm buồng đệm. Buồng đệm làm giảm lực quán tính của hạt thuốc trước khi đi vào vùng hầu họng nên giảm tỷ lệ thuốc lắng đọng ở đây và tăng tỉ lệ thuốc có kích thước nhỏ 2-5 micromet đi sâu hơn.
Ngoài ra, một vài loại dụng cụ xịt ra tia thuốc mạnh và lạnh, tạo hiệu ứng gây lạnh (Cold-Freon), làm bệnh nhân có phản xạ ngưng thở, khiến dùng khí vào không liên tục
Hình ảnh dụng cụ xịt hít dùng chất đẩy MDI
- Dụng cụ xịt hít bột khô DPI
Cấu tạo dụng cụ: Dụng cụ xịt hít bột khô có cấu tạo đa dạng với hình thái khác nhau. Có thể chia các dụng cụ này thành 2 loại:
- Loai đã chứa sẵn thuốc bên trong bao gồm: Accuhaler, Ellipta, Turbuhaler, Twisthaler, RespiClick, và Pressair.
- Loại chưa có thuốc và cần phải tải thuốc vào buồng chứa bao gồm: Handihaler và Breezhaler.
Thành phần thuốc: Thuốc ở dạng bột khô với đường kính phân tử < 5 micrometers, thường được kết hợp với thành phân tử lớn hơn như lactose hoặc glucose.
Nguyên lý hoạt động: Thuốc tách ra khỏi các phân tử lớn và được vận chuyển vào đường hô hấp bằng cách hít mạnh bột khô chứa trong từng liều sau khi được hoạt hoá. Các dụng cụ khác nhau có cơ chế hoạt hoá khác nhau (tham khảo “ Cách sử dụng các dụng cụ xịt hít. Phần 2: Cách sử dụng dụng cụ xịt hít bột khô (DPI) và hạt mịn (SMI))
Thuốc vận chuyển vào cơ thể không yêu cầu phải phối hợp với nhịp hô hấp như dụng cụ dùng chất đẩy, tuy nhiên người dùng loại xịt hít này cần lực hít trung bình 30-60L/phút.
Hình ảnh dụng cụ xịt hít bột khô DPI
- Dụng cụ hít hạt mịn SMI
Cấu tạo dụng cụ: Dụng cụ có hình trụ chứa hệ thống đẩy bằng lò xo giúp biến thuốc từ dạng lỏng sang khí
Thành phần thuốc: Thuốc ở dạng dung dịch không chứa các chất đẩy.
Nguyên lý hoạt động: Khi quay nửa dưới của dụng cụ, lò xo sẽ được nén, đồng thời kéo phần dung dịch thuốc vào hệ thống. Sau khi nhấn nút, lò xo tung ra tạo lực bên trong dụng cụ làm dung dịch đi qua lỗ có 2 kênh nhỏ thông ra ngoài. Việc này tạo ra những hạt sương mịn và vận chuyển chậm (0.8m/s) và kéo dài 1,2s. Thuốc ở dạng phun sương có vận tốc di chuyển chậm và kéo dài thời gian hơn so với thuốc được giải phóng từ dụng cụ xịt hít dùng chất đẩy (MDI).
Bên cạnh đó, dụng cụ này có ưu điểm khác so với MDI là vận chuyển thuốc không phụ thuộc vào nhịp thở. SMI cũng không yêu cầu người dùng lắc trước khi sử dụng. So với DPI, SMI không yêu cầu người dùng cần lực hít tối thiểu.
Kết luận: Có rất nhiều loại dụng cụ xịt hít khác nhau trên thị trường. Các dụng cụ này có cơ chế hoạt động khác nhau, và việc sử dụng đúng cách có vai trò quan trọng đến hiệu quả của thuốc. Tuỳ thuộc vào xu hướng và thói quen hít của người dùng, như nhanh và mạnh hay chậm và sâu, người bệnh sẽ được tư vấn các dụng cụ xịt hít phù hợp.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Bệnh viện Vinmec