Logo

Tiến sĩ Phan Chính Thức nêu 7 hướng tiếp cận để phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Lượt xem: 467 Ngày đăng: 26/08/2019

(GDVN) – Sẽ là quá muộn nếu ngay bây giờ không sớm khởi động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2011-2030.

Hiện nay chúng ta sắp bước vào thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, các loại  chiến lược, quy hoạch trung hạn 5 năm, tầm nhìn dài hạn đến 2030 và xa hơn nữa trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, việc làm, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp….đang được chuẩn bị xây dựng.

Về việc phát triển giáo dục nghề nghiệp, thông tin với Báo Điện tử giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Chính Thức (Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội) dự đoán, sẽ là quá muộn nếu ngay bây giờ không sớm khởi động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2011-2030 và có thể nhìn nhận theo một số hướng tiếp cận chủ yếu sau:

Thứ nhất, giáo dục nghề nghiệp tiếp cận theo theo hướng mở,  liên thông tạo cơ hội cho mọi người học suốt đời và góp phần xây dựng xã hội học tập 

Những năm gần đây dưới góc nhìn mới vị thế, vai trò của giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp mở, liên thông được nâng lên ở các tầm mức mới:

– Về nhận thức (các công trình nghiên cứu triết lý và lý luận);

– Về hình thành chủ trương, đường lối: Nghị quyết của Đảng “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo”  .

Đối với giáo dục nghề nghiệp định hướng:  “Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động”.

– Về pháp luật : “Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp và liên thông với các trình độ đào tạo khác”). ; “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên” .

Vậy là phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và liên thông là xu hướng tất yếu, khách quan góp phần thực hiện phương châm học suốt đời nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, mang đến cả những thách thức và cơ hội cho phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, giáo dục nghề nghiệp tiếp cận  với cơ hội việc làm, việc làm bền vững và phát triển bền vững  

Mục tiêu cuối cùng của đào tạo là việc làm, nếu người học nghề sau khi tốt nghiệp mà không có việc làm hoặc nhà trường đào tạo những nội dung mà thị trường việc làm không cần đến thì coi như không thành công.

-Đào tạo và việc làm là hai mặt gắn kết không thể tách rời của một quá trình. Việc làm bền vững vừa là mục tiêu, vừa là động lực của giáo dục nghề nghiệp và ở chiều ngược lại giáo dục nghề nghiệp là nền tảng là chìa khóa để phát triển việc làm bền vững.

Tiến sĩ Phan Chính Thức nêu 7 hướng tiếp cận để phát triển giáo dục nghề nghiệp (Ảnh minh họa: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam)

Trong mối quan hệ gắn kết và thúc đẩy việc làm, việc làm bền vững,  giáo dục nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với phát triển kỹ năng, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao từng bước đáp ứng được yêu cầu việc làm của thị trường lao động.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu và môi trường.

Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện 17 mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững tới năm 2030 của Liên hợp quốc.

Chính phủ đã xác định “Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững”,  vì vậy  giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách và các mô hình tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nhằm thúc đẩy  đào tạo nghề xanh và quan trọng hơn là xanh hóa các ngành, nghề đào tạo.

Tiếp cận với cơ hội việc làm, việc làm bền vững và phát triển bền vững là định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế – xã hội.

Thứ ba, giáo dục nghề nghiệp tiếp cận theo hướng đảm bảo chất chất lượng và hiệu quả 

Trong giáo dục nghề nghiệp quan tâm đến phân tầng chất lượng trong đó phát triển nhân lực chất lượng cao là cốt lõi của hệ thống, là điều kiện tiên quyết cải thiện hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp trước công chúng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, khẳng định vị thế trong hội nhập quốc tế, là yếu tố quyết định các mối quan hệ với các chủ thể khác tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Họ không chỉ  là chuyên gia kiến thức về công nghệ, kỹ thuật số, không chỉ  dạy trong môi trường học tập lấy người học làm trung tâm, mà còn kiến tạo môi trường phát triển tính sáng tạo, năng động để giải quyết những vấn đề phát sinh và giúp người học tự định hướng trong học tập. Trong mạng lưới cần xây dựng một số trường chất lượng cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Để nâng cao chất lượng cần đổi mới phương pháp dạy và học. Vai trò nhà giáo  giáo dục nghề nghiệp đã và đang thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập sáng tạo, là người cung cấp, gây ảnh hưởng tới cách tư duy và học có phê phán của người học;

Đào tạo theo năng lực là xu thể tất yếu,  hai trụ cột của năng lực thực hiện là “Kỹ năng nghề và Năng lực đổi mới sáng tạo”   sẽ quyết định chất lượng và sự thích ứng của nhân lực qua đào tạo với thị trường lao động. Kỹ năng nghề vả năng lực đổi mới sáng tạo và được định hình trong  Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Thứ tư, giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với vai trò chủ thể và động lực thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp 

Thực chất đào tạo nghề là đào tạo tại sản xuất, tại các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp là đối tác quan trọng nhất tham gia vào toàn bộ  quá trình đào tạo: Đầu vào- Quá trình Dạy và học – Đầu ra.

Doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ ý tưởng, xây dựng chiến lược, quy hoạch; tuyển sinh; ươm tạo  khởi nghiệp; phát triển cơ sở đào tạo tại doanh nghiệp, liên kết đào tạo, đặt hàng đào tạo; địa điểm đào tạo; phát triển chương trình, linh hoạt về  thời gian, đa dạng về phương pháp; đánh giá chất lượng đào tạo; chia sẻ nguồn lực, tài chính,  khai thác  tài nguyên mở, học liệu mởvà cùng  tư vấn, hướng nghiệp và tạo việc làm.

Doanh nghiệp phải song hành với giáo dục nghề nghiệp trong việc định hình chiến lược phát triển với tư cách là chủ thể của quá trình đào tạo và khi đó doanh nghiệp sẽ trở thành động lực phát triển.

Thứ năm, ứng dụng sáng tạo và hiệu quả công nghệ trong giáo dục nghề nghiệp dựa trên thành quả cách mạng công nghiệp 4.0 

Cả bề rộng lẫn chiều sâu của cách mạng công nghiệp 4.0 đều báo trước sự chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội và theo đó là những yêu cầu đổi mới  hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực thích ứng nhanh.

Bởi lẽ, công nghệ mới sẽ làm thay đổi mạnh mẽ bản chất công việc ở hầu hết các ngành nghề và sẽ có sự phân cực mạnh mẽ hơn của thị trường lao động.

Vì vậy khả năng khan hiếm lao động có kỹ năng cao là rào cản đối với đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế.

Năng xuất lao động – yếu tố quan trọng nhất quyết định tăng trưởng dài hạn và nâng cao chất lượng cuộc sống là yêu cầu bức thiết và khắc nghiệt của thị trường việc làm trong cuộc cách mạng 4.0.

Đó có thể là khởi đầu cho cuộc cách mạng việc làm mới, linh hoạt và thuộc về những người tham gia kết nối Internet.  Ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng “Đám mây nhân sự” để thực hiện các giao dịch về hợp đồng lao động.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nghiên cứu các phương thức để có thể khai thác tài nguyên mở phục vụ đổi mới đào tạo dựa trên cơ sở công nghệ giáo dục (phương pháp tiếp cận, quá trình dạy, học… và đổi mới công nghệ trong giáo dục (sử dụng phần mềm, tài nguyên mở, trực tuyến…).

Thứ sáu, giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với trao quyền tự chủ, thực hiện trách nhiệm giải trình, áp dụng cách thức quản trị của doanh nghiệp trong các cơ sở  giáo dục nghề nghiệp        
Phát triển giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo phải song hành với việc  trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp “Nhiều khả năng sức mạnh từ sự trao quyền là khởi nguồn cho một trong những tác động lớn lao nhất”.

Tuy nhiên“Tự chủ và tự do đương nhiên vẫn nằm trong giới hạn và trách nhiệm nhất định” ; đồng thời thực hiện trách nhiệm giải trình:Trong nội bộ (công khai trước các đơn vị, các thành viên) và  đối với bên ngoài (Nhà nước, cộng đồng, xã hội).

Yếu tố quan trọng nhất của tự chủ phải đảm bảo tính “bất biến” về chất lượng đào tạo và chất lượng dịch vụ.

Mô hình tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình theo hướng đảm bảo chất lượng; sử dụng kiểm định chất lượng và đánh giá như là công cụ quản lý của nhà nước để kiểm soát chất lượng đào tạo, dịch vụ và là căn cứ để giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiến hành rà soát, loại bỏ, sửa đổi và bổ sung cơ chế, chính sách và các chế định không phù hợp, giảm thiểu tối đa các rào cản về thủ tục hành chính trong hoạt động đào tạo và dịch vụ.

Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện tự chủ đáp ứng nhu cầu học nghề, khởi nghiệp và tạo việc làm, việc làm bền vững cho người lao động.

Thứ bảy, định vị hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong xã hội học tập, môi trường phát triển giáo dục, nguồn nhân lực, việc làm và hội nhập quốc tế

Khuyến nghị “Học suốt đời là cuộc hành trình với nhiều hướng đi, giáo dục nghề nghiệp là hướng đi chủ yếu trong hành trình này” đã  xác định vị trí quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong việc học suốt đời.

Mặt khác giáo dục nghề nghiệp có điểm chung với giáo dục  nhưng cũng cần nhấn mạnh đến đặc thù riêng khi định hướng phát triển.

– Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là cung cấp nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, ở đó  thị trường việc làm  thay đổi với tần xuất cao,  chu kỳ chuyển đổi nghề nghiệp và di chuyển việc làm ngắn hơn.

– Yêu cầu thích ứng nhanh thị trường việc làm.

–  Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đảm trách số lượng nhân lực qua đào tạo lớn (khoảng 87% lao động qua đào tạo).

Những đặc thù trên tác động đến định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, Tiến sĩ Phan Chín Thức khẳng định, giáo dục nghề nghiệp là một phân hệ trong hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất, vì vậy định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp phải trong tổng thể chiến lược giáo dục, đồng bộ với các phân hệ  giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học và để không là rào cản của nhau.

Thùy Linh- Báo Giáo dục Việt Nam.