Logo

Thuốc hỗ trợ giấc ngủ: Hiểu các lựa chọn không kê đơn

Lượt xem: 157 Ngày đăng: 10/03/2021

Mất ngủ là vấn để mà rất nhiều người gặp phải, đặc biệt ở những người độ tuổi trung niên trở lên. Việc sử dụng các thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn có thể hữu ích trong thời gian ngắn. Để cải thiện giấc ngủ tốt hơn trong thời gian dài thì các biện pháp thay đổi lối sống vẫn là cách tốt nhất.

  1. Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn là gì?

Những người mất ngủ thường xuyên sử dụng một số mẹo nhỏ thông thường để giúp có được giấc ngủ ngon như tránh sử dụng các loại thức uống có chứa cafein, không ngủ nhiều vào ban ngày, kiểm soát căng thẳng, tập thể dục đều đặn… Nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả thì có thể nghĩ tới việc sử dụng các thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn.

Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn có thể hiệu quả với trường hợp mất ngủ cả đêm, thành phần của thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn đều có kháng histamin. Các chất này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, tuy nhiên khả năng gây buồn ngủ sẽ giảm dần khi sử dụng các thuốc kháng histamin trong thời gian dài. Cho nên nếu dùng chúng càng lâu, chúng càng ít có khả năng gây ra buồn ngủ.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như choáng váng và cảm giác mệt mỏi vào ngày hôm sau. Khi sử dụng thuốc có chứa thành phần kháng histamin thì hoàn toàn có thể xảy ra hiện tượng tương tác thuốc với các loại thuốc khác cho nên cần lưu ý khi dùng. Hiện chưa có nghiên cứu nào rõ ràng về tính an toàn và hiệu quả của thuốc hỗ trợ ngủ không kê đơn.

  1. Các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ thường được lựa chọn

Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn được bán rộng rãi, không giống như việc mua thuốc ngủ thường cần phải có đơn từ bác sĩ, các thuốc này có thể mua dễ dàng hơn. Các lựa chọn phổ biến và một số tác dụng phụ của thuốc gồm:

  • Diphenhydramine (Benadryl, Aleve PM…): Diphenhydramine là thuốc kháng histamin có tác dụng an thần. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc này bao gồm buồn ngủ ban ngày, khô miệng, mờ mắt, táo bón và bí tiểu.
  • Doxylamine succinate: Doxylamine cũng là một loại thuốc kháng histamin có tác dụng an thần. Tác dụng phụ tương tự như tác dụng của diphenhydramine.
  • Melatonin: Hormone melatonin là hormone được sản xuất bởi tuyến tùng giúp kiểm soát chu kỳ thức và ngủ tự nhiên, điều hòa giấc ngủ. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, các chất bổ sung melatonin có thể hữu ích trong việc giảm thời gian đi vào giấc ngủ, mặc dù tác dụng thường nhẹ. Các tác dụng phụ có thể bao gồm nhức đầu và buồn ngủ vào ban ngày.
  • Valerian: Các chất bổ sung làm từ loại cây này đôi khi được dùng làm thuốc hỗ trợ giấc ngủ. Một số nghiên cứu chỉ ra lợi ích điều trị hỗ trợ giấc ngủ, giảm bớt lo lắng. Valerian thường không gây ra tác dụng phụ.

Đây là các thành phần chính thường được sử dụng trong các thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn, có nhiều chế phẩm do nhiều công ty dược khác nhau điều chế có thể thêm một số tá dược để tăng tác dụng điều trị. Tuy nhiên việc lựa chọn chế phẩm nào tùy thuộc vào lợi ích mà chế phẩm đó mang lại và chi phí người sử dụng phải bỏ ra.

  1. Những lưu ý khi sử dụng các thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn

Khi sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn, hãy lưu ý những điều sau:

  • Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ: Hãy hỏi bác sĩ nếu thuốc hỗ trợ giấc ngủ có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc các tình trạng hiện tại của người bệnh và liều lượng nên dùng.
  • Luôn nhớ một số chống chỉ định của thuốc: Diphenhydramine và doxylamine không được khuyến cáo cho những người bị bệnh tăng nhãn áp góc đóng, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh gan nặng, tắc nghẽn hệ tiêu hóa hoặc bí tiểu. Ngoài ra, thuốc hỗ trợ giấc ngủ gây ra rủi ro cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, có thể gây hại cho những người trên 75 tuổi, bao gồm tăng nguy cơ đột quỵ và mất trí nhớ ở người cao tuổi.
  • Thời gian sử dụng thuốc: Thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn là một giải pháp tạm thời cho chứng mất ngủ, giúp hỗ trợ để bạn có giấc ngủ ngon hơn. Tuy vậy, chúng không được sử dụng lâu hơn hai tuần.
  • Tránh rượu: Không bao giờ trộn rượu và thuốc hỗ trợ giấc ngủ để uống chung. Rượu có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc, nhưng có thể gây hại cho cơ thể.
  • Chú ý các tác dụng phụ: Không lái xe hoặc thực hiện các hoạt động khác đòi hỏi sự tỉnh táo trong khi dùng thuốc hỗ trợ giấc ngủ.
  • Một giấc ngủ ngon giúp cho tinh thần thoải mái và làm việc hiệu quả hơn, tuy vậy có nhiều người gặp phải chứng mất ngủ làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ theo đơn trong thời gian ngắn cũng có thể được khuyến khích. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống, tìm hiểu thói quen ngủ mới và biện pháp để làm cho môi trường ngủ có ích hơn cho giấc ngủ là điều cần thiết để cải thiện giấc ngủ trong thời gian dài.

Trong trường hợp, bạn bị mất ngủ kéo dài và việc dùng thuốc gần như không mang lại hiệu quả như mong muốn. Lúc này bạn cần tới gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe và có những chỉ định phù hợp cho việc điều trị. Tránh việc sử dụng thuốc trong thời gian qua dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguồn: Bệnh viện Vinmec