Ngay giữa thủ đô New Delhi ở Ấn Độ, vào hàng thuốc nào bạn cũng sẽ thấy bán những hộp thuốc COVID-19.
Thuốc của Ấn Độ được quảng cáo là chưa có bệnh thì uống vào tăng đề kháng, có bệnh thì uống sẽ khỏi.
Tên là Coronil, của một hãng dược danh tiếng. Nó được quảng cáo là chưa có bệnh thì uống vào tăng đề kháng, có bệnh thì uống sẽ khỏi. Mỗi hộp giá khoảng 150 nghìn VNĐ, chứa 2 hộp thuốc, 1 hộp xịt mũi. Một hiệu thuốc nhỏ mà mỗi ngày bán hơn 20 hộp.
Tuy nhiên đây không phải là loại thuốc duy nhất. Bộ AYUSH (Bộ Y học cổ truyền, Yoga và Liệu pháp trị liệu tự nhiên) của Ấn Độ thậm chí đã từng đề xuất một loại thuốc vi lượng đồng căn (tức là dùng 1 loại chế phẩm pha loãng chữa bệnh, mà chính chế phẩm này cũng gây ra triệu chứng tương tự như căn bệnh cần chữa) tên là Arsenicum Album 30.
Bà Anu Kapoor – Dược sĩ nói: “Dùng thuốc này để phòng ngừa cúm và các bệnh có triệu chứng như cúm. Nếu ai bị COVID-19 có triệu chứng sẽ dùng Arsenicum Album 30”.
Ấn Độ có nền y học cổ truyền lâu đời và phát triển, ăn sâu vào văn hóa. Nhiều thảo dược, phương pháp trị bệnh và chế độ tập luyện ăn kiêng độc đáo có hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó cũng nhập nhằng nhiều loại thuốc chưa từng được chứng minh mà chỉ tồn tại vì người ta tin rằng nó có tác dụng. Ví dụ, không ít người dùng cả chất thải của bò để uống tăng đề kháng chống COVID-19. Trong khi đó, những bác sĩ phương Tây thì tin vào các nghiên cứu y học đã được thử nghiệm, kiểm định.
Ông Stephen Barrett – Hội đồng Chống Lừa đảo Y tế Mỹ cho rằng: “Một cách đơn giản nhất các bạn nên hiểu là không có cái gọi là “tăng cường hệ miễn dịch”. Hệ miễn dịch của con người có rất nhiều thành tố, chẳng có gì bạn có thể uống vào mà tăng cường được hệ miễn dịch”.
Không chỉ Ấn Độ, thuốc điều trị COVID-19 chưa được kiểm định cũng tràn lan ở những nước đông dân cư, nhiều khu vực người dân lại hạn chế tiếp cận thuốc. Như ở Trung Quốc với nền đông y hàng ngàn năm, người ta cũng tin thuốc bắc chữa được COVID-19. Đây là loại thuốc sắc lên uống sẽ thanh lọc, thải độc phổi.
WHO chưa chính thức phê duyệt 1 loại thuốc cụ thể nào để đặc trị COVID-19
Các phác đồ điều trị bệnh nhân mắc SARS-CoV-2 hiện bao gồm những phương pháp đã được kiểm nghiệm như hỗ trợ hô hấp, thuốc kháng sinh, kháng virus. Các chuyên gia quốc tế đều hiểu rằng, để chúng ta chung sống bình thường với COVID-19 thì ngoài vaccine, thế giới cũng đang nhanh chóng phát triển các loại thuốc trị bệnh.
Cho tới nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã phê chuẩn loại thuốc kháng virus như remdesivir và một số loại kháng thể khác để trị bệnh nhân COVID-19. Nhưng tất cả các loại thuốc hay kháng thể này đều phải được tiêm qua tĩnh mạch ở bệnh viện.
Nhiều người Trung Quốc tin rằng thuốc bắc chữa được COVID-19
Trong tháng 6 vừa qua, Mỹ quyết định rót 3,2 tỷ USD để thúc đẩy nghiên cứu các loại thuốc kháng COVID-19 dạng viên, với hy vọng bệnh nhân có thể uống tại nhà ngay khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Bác sĩ John Whyte – Giám đốc văn phòng y tế WEBMD, Mỹ cho biết: “Loại thuốc đang thử nghiệm là thuốc kháng virus điều trị COVID-19, nó cũng giống như thuốc Tamiflu mà chúng ta sử dụng để điều trị bệnh cúm. Tuy nhiên hiện tại chúng ta vẫn phải thực hiện một số nghiên cứu để đảm bảo nó có hiệu quả. Những chiến lược này chính xác là những gì chúng ta cần để chuẩn bị”.
Bệnh viện Đại học Stanford, bang California, Mỹ đang thử nghiệm dùng thuốc kháng virus có tên Lambda, vốn được phát triển để điều trị bệnh viêm gan D, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Khi xâm nhập vào cơ thể, virus SARS-CoV-2 được cho là cản trở Interferon Lambda, loại protein phát triển tự nhiên trong cơ thể để chống lại virus. Thuốc Lambda giúp đảo ngược tình trạng này với nhiều ưu điểm so với các liệu pháp và thuốc điều trị COVID-19 hiện nay.
Thử nghiệm dùng thuốc kháng virus có tên Lambda
Giáo sư, bác sĩ Jeffrey S. Glenn – Bệnh viện Đại học Stanford, Mỹ khẳng định: “Lambda ít có tác dụng phụ bởi nó không hoạt động trên toàn cơ thể mà chỉ tập trung vào phổi, ruột và gan. Đó cũng là những nơi mà COVID-19 thường tấn công. Một trong những lợi ích lớn nhất của Lambda là kích hoạt hệ thống phòng vệ tự nhiên của cơ thể nên không xảy ra tình trạng kháng thuốc như với vaccine”.
Dựa trên kết quả thử nghiệm và kinh nghiệm của mình, Giáo sư, bác sĩ Jeffrey tin rằng, cùng với vaccine, Lambda sẽ là bổ sung hữu hiệu cho cuộc chiến chống COVID-19.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 tại Mỹ và Canada với các bệnh nhân COVID-19 cho thấy, 79% đã chấm dứt tình trạng nhiễm trùng sau 7 ngày được tiêm 1 mũi Lambda và hàm lượng virus cũng đã giảm nhanh chóng ở tất cả các bệnh nhân được tiêm.
Hiện thuốc Lambda đang được thử nghiệm giai đoạn 3 tại 11 cơ sở ở Brazil và Canada. Kết quả của giai đoạn này, dự kiến kết thúc cuối quý 3 năm nay, sẽ giúp Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ có đủ căn cứ để phê chuẩn việc đưa Lambda vào sử dụng.
Nguồn: VTV NEWS