Logo

Phục hồi chức năng là gì?

Lượt xem: 316 Ngày đăng: 08/05/2020

Phục hồi chức năng (PHCN) là một thuật ngữ trong y khoa, là một trong 3 lĩnh vực của y học gồm phòng bệnh-chữa bệnh-phục hồi chức năng.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một khái niệm đầy đủ về PHCN như sau: PHCN bao gồm các biện pháp y học, kinh tế, xã hội, giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật phục hồi nhằm làm giảm tác động của giảm chức năng và khuyết tật, đảm bảo cho người khuyết tật hội nhập xã hội, có những cơ hội bình đẳng và tham gia đầy đủ các hoạt động của xã hội.

Phục hồi chức năng là trả lại các chức năng bị giảm hoặc bị mất cho người khuyết tật hoặc là giúp họ xử trí tốt hơn với tình trạng khuyết tật của mình khi ở nhà hoặc ở cộng đồng. Phục hồi chức năng không chỉ huấn luyện người khuyết tật thích nghi với môi trường sống mà còn tác động vào môi trường và xã hội tạo nên khối thống nhất cho quá trình hội nhập của người khuyết tật.

Trên thế giới hiện nay có 3 hình thức PHCN:

PHCN dựa vào viện, các trung tâm phục hồi chức năng Hình thức này được triển khai từ trước đến nay ở nhiều nước trên thế giới.

+ Ưu điểm: Kết quả phục hồi nhanh hơn và phục hồi được cho nhiều trường hợp bệnh khó nhờ có đội ngũ cán bộ có chuyên môn kỹ thuật cao và có nhiều trang thiết bị hiện đại.

+ Nhược điểm: Bất tiện cho những bệnh nhân ở xa, chỉ giải quyết cho được một số ít người và chi phí cao.

PHCN ngoại viện Cán bộ chuyên khoa của các viện, các trung tâm xuống các địa phương trực tiếp tập luyện, phục hồi cho người bệnh.

+ Ưu điểm: Các cán bộ chuyên khoa trực tiếp tập luyện nên sự tiến bộ có nhanh hơn, số người khuyết tật được tập luyện có nhiều hơn hình thức trên.

+ Nhược điểm: Chi phí cao, không đủ cán bộ và số người khuyết tật được tập luyện cũng không được nhiều.

PHCN dựa vào cộng đồng, người khuyết tật được tập luyện phục hồi ngay tại cộng đồng bằng thân nhân người khuyết tật và cộng đồng. Thực chất của hình thức này là xã hội hóa công tác PHCN.

Các kỹ thuật (phương pháp) phục hồi chức năng

Kỹ thuật can thiệp phục hồi chức năng

Hoạt động trị liệu (HĐTL), là sử dụng các hoạt động tự chăm sóc, công việc và trò chơi trong điều trị nhằm gia tăng sự độc lập chức năng, tăng cường sự phát triển và ngăn ngừa khuyết tật. HĐTL có thể bao gồm sự thích ứng với công việc hay môi trường để đạt được sự độc lập tối đa và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngôn ngữ trị liệu tập nói hoặc học cách sử dụng các loại ngôn ngữ giao tiếp khác (viết, động tác bằng tay (thủ ngữ), mắt….).
Vận động trị liệu
Tâm lý trị liệu

Kỹ thuật giúp đỡ người khuyết tật tham gia hòa nhập xã hội

Giáo dục đặc biệt, Người khuyết tật (chủ yếu là trẻ khuyết tật) được học ở các trường/ lớp với sự giáo dục đặc biệt của những giáo viên chuyên nghiệp: trường/ lớp cho người mù với chữ nổi, cho người điếc câm với thủ ngữ…

Dạy nghề và hướng nghiệp, dạy lại cho người bệnh các kỹ năng thực hiện nghề cũ hoặc học một nghề mới thích ứng với tình trạng thương tật, sức khỏe và khả năng của họ.
+ Chân, tay giả.
+ Dụng cụ chỉnh hình: nẹp chỉnh hình các loại (nẹp hông, nẹp đùi, nẹp gối-cổ chân, nẹp cổ chân), máng chỉnh hình, giày chỉnh hình…
+ Dụng cụ trợ giúp: xe lăn, khung tập đi, các loại đồ dùng có tay cầm đặc biệt, ghế ngồi đặc biệt… tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể di chuyển và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
+ Cải thiện môi trường như đường đi, nhà ở, phương tiện đi lại để người khuyết tật có thể đến những nơi họ cần đến, làm các việc có ích cho cuộc sống của họ mà họ muốn.