Thuốc có thể tương tác với chất dinh dưỡng nào?
Thuốc có thể tương tác với một hoặc nhiều chất dinh dưỡng. Các chất dinh dưỡng là các vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm mà hàng ngày chúng ta ăn. Các vitamin và khoáng chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sản sinh năng lượng, duy trì các hoạt động sống, nâng cao miễn dịch của cơ thể, phòng chống bệnh tật…
Thực phẩm giàu vitamin K như bông cải xoăn sẽ làm bất hoạt thuốc chống đông máu.
Khi một loại thuốc tương tác với một chất dinh dưỡng, nó có thể làm cho thuốc hoạt động đúng cách hoặc có thể làm tăng hoặc giảm lượng chất dinh dưỡng trong cơ thể, có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
Một ví dụ về tương tác thuốc – dinh dưỡng bao gồm các loại thực phẩm giàu vitamin K (như rau bina, bông cải xanh, cải xoăn). Ăn những thực phẩm giàu vitamin K có thể là mối nguy hiểm đối với những người đang sử dụng thuốc chứa warfarin làm loãng máu. Nguyên nhân là do hàm lượng vitamin K cao có thể làm bất hoạt warfarin, gây tăng nguy cơ đông máu, nguy hiểm cho người bệnh.
Thức ăn giàu chất tyramine (như phô mai, chuối chín, bơ, thịt hun khói, rau bina…) có thể làm tăng huyết áp nghiêm trọng ở những người dùng thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) trị trầm cảm. Nguyên do là vì thuốc MAOIs ngăn chặn một loại enzym quan trọng giúp phá vỡ tyramine (tyramine nếu không bị phá vỡ có thể làm tăng huyết áp). Vì vậy khi những người dùng thuốc ức chế MAO ăn các loại thực phẩm này, họ có thể bị tăng huyết áp nghiêm trọng…
Các statins (thuốc hạ cholesterol) có thể làm giảm coenzyme Q10 trong cơ thể. Đây là dưỡng chất có vai trò quan trọng bảo vệ tim mạch. Do vậy khi buộc phải sử dụng các loại thuốc này, bệnh nhân cần đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đồng thời cần bổ sung thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất nói trên, chẳng hạn như cá, cà rốt, cà chua, rau cải xanh, bắp cải…
Ngoài ra, thuốc lợi tiểu có thể gây hạ nồng độ kali; thuốc giảm acid có thể làm giảm nồng độ vitamin B12, canxi, magiê và các khoáng chất khác; thuốc chống co giật (trị động kinh) có thể gây giảm nồng độ của vitamin D; các thuốc PPI (ức chế bơm proton) làm giảm hấp thu vitamin B12 ở bệnh nhân cao tuổi. Vì vậy ở bệnh nhân cao tuổi có chế độ dinh dưỡng kém, đang dùng PPI kéo dài, cần cân nhắc xét nghiệm vitamin B12 định kỳ.
Các chất dinh dưỡng không chỉ có trong thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày mà còn có trong các thực phẩm bổ sung. Hiện nay có rất nhiều người dùng các sản phẩm bổ sung có chứa vitamin và khoáng chất hoặc thảo dược… để cải thiện hoặc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, khi dùng cùng với thuốc (theo đơn hoặc không kê toa) chúng có thể tương tác với nhau gây bất lợi. Các sản phẩm bổ sung này có thể ảnh hưởng đến cách một loại thuốc hoạt động hoặc ảnh hưởng đến sự hấp thu làm giảm tác dụng hoặc mất tác dụng của thuốc.
Những đối tượng nào có nguy cơ cao tương tác thuốc – dinh dưỡng?
Những người có nguy cơ cao gặp phải các tương tác thuốc – dinh dưỡng bao gồm: phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, những người có bệnh mạn tính (như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim), trẻ nhỏ và những người đang dùng hai hoặc nhiều loại thuốc cùng một lúc…
Tình trạng bị thiếu hụt chất dinh dưỡng xảy ra khi sử dụng lâu dài một loại thuốc làm ảnh hưởng đến khả năng của cơ thể để tạo ra hoặc duy trì một mức độ dinh dưỡng lành mạnh. Điều này có thể gây ra sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Sự thiếu hụt này thường là một quá trình chậm, diễn ra từ từ theo thời gian.
Làm gì để khắc phục?
Khi bác sĩ kê đơn thuốc, người bệnh cần liệt kê danh sách các sản phẩm bổ sung, các loại vitamin, khoáng chất mà mình đang dùng và thời gian dùng… cho bác sĩ biết, để bác sĩ cân nhắc liều lượng hoặc có lời khuyên thích hợp xem có nên tiếp tục dùng chúng hay không?
Trước khi dùng bất kỳ sản phẩm gì (thuốc hay thực phẩm bổ sung), người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Các thông tin trong này cũng sẽ giúp chúng ta hiểu được về những chú ý khi dùng thuốc, những nguy cơ tương tác bất lợi… để tránh hoặc biết cách khắc phục thế nào.
Đối với các thuốc có thể gây thiếu hụt dưỡng chất, người bệnh cần kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ các dưỡng chất này và uống các sản phẩm bổ sung hoặc thực phẩm chứa các dưỡng chất mà bạn đang thiếu hụt (nếu cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ) để đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất này trong khi bạn đang uống thuốc điều trị bệnh.
DS. Nguyễn Thu Giang