Logo

Các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ

Lượt xem: 334 Ngày đăng: 23/11/2020

Chiều cao của con người ảnh hưởng bởi các yếu tố: dinh dưỡng; di truyền; rèn luyện thể lực, môi trường sống… Trẻ có 3 giai đoạn mà cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao đó là thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì, người ta còn gọi là 3 giai đoạn vàng để phát triển chiều cao. Để trẻ phát triển chiều cao, cha mẹ cần nắm bắt 3 giai đoạn vàng để phát triển chiều cao và các yếu tố tác động vào 3 yếu tố chính liên quan đến phát triển chiều cao của trẻ.

Yếu tố dinh dưỡng

Dinh dưỡng là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến không chỉ phát triển chiều cao mà còn tới thể chất, trí tuệ của trẻ. Bổ sung dinh dưỡng cần được làm ngay từ khi người mẹ mang thai. Khi sinh ra, mẹ nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ giúp bé tăng chiều cao tốt hơn sữa công thức. Đến thời kỳ ăn dặm và sau đó, trẻ cần được bổ sung đủ 4 nhóm chất là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất, đồng thời phải phong phú chủng loại thực phẩm. Chất đạm đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, đặc biệt là các chất đạm động vật với đầy đủ các acid amin cần thiết. Chất béo rất quan trọng trong sự phát triển các xương dài của trẻ khi còn nhỏ, đồng thời chất béo còn giúp tăng cường hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A,D,…) giúp hệ xương phát triển tốt. Trẻ cần được bổ sung đủ các thực phẩm chứa các khoáng chất thiết yếu như: Calci, Kẽm, Magie, Đồng, Mangan, Boron, Silic, chondroitin, DHA…

Ở trẻ em, xương phát triển dài và to ra nhờ quá trình chuyển từ sụn thành xương gọi là “quá trình cốt hóa”. Quá trình này cần nguyên liệu gồm canxi, phospho và sự tham gia của các yếu tố vận chuyển, hoạt hóa như: vitamin D, Calcitriol, Osteocalcin, Vitamin K2…Các thực phẩm giàu calci như: tôm, cua, cá, tép, ốc, trứng gà, sữa, sữa chua, phô mai,… Khi cơ thể được cung cấp đầy đủ calci, phospho, quá trình cốt hóa được bắt đầu. Khi đó Vitamin D3 được chuyển thành dạng hoạt động là Calcitriol, chất này sẽ tiến đến “tạo cốt bào” (chất cơ bản nằm trong xương) để kích thích sản xuất osteocalcin – yếu tố sẽ nằm trên bề mặt xương giúp tăng cường đưa calci vào trong xương. Tuy nhiên, osteocalcin được tạo cốt bào sản xuất ra chưa có khả năng vận chuyển calci vào xương ngay, mà cần có sự hoạt hóa của vitamin K2. Vitamin K2 giúp kích hoạt osteocalcin ở dạng chưa hoạt động sang dạng hoạt động, và osteocalcin dạng hoạt động mới gắn được với calci, đưa calci vào trong xương, giúp xương phát triển dài và to ra.

Vitamin K2 do vậy có tác dụng chống bệnh còi xương, loãng xương. Nếu thiếu vitamin K2, lượng calci hấp thu vào cơ thể sẽ không được sử dụng hiệu quả và có thể gây nguy hiểm.

Vitamin K2 có nhiều trong phô mai, đậu phụ, đặc biệt đậu phụ lên men kiểu Nhật (Natto), bơ, lòng đỏ trứng. Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm bổ xung vitamin K2 dưới dạng MK7.

Rèn luyện thể lực

Tập thể dục thể thao là yếu tố quan trọng không kém việc bổ sung dinh dưỡng. Muốn cơ thể phát triển tốt, khỏe mạnh, có chiều cao như ý muốn bạn nên tạo thói quen tập luyện thể dục thể thao ngay từ tuổi nhỏ với các bài tập phù hợp từng lứa tuổi. Nên duy trì các bài tập nhảy cao, nhảy xa, đánh xà, bơi,.. nhằm vươn dài người, kéo căng cơ, kích thích cột sống và các xương phát triển. Sự vận động cơ bắp sẽ kích thích, đẩy mạnh quá trình chuyển hóa năng lượng, trao đổi chất, thúc đẩy tăng trưởng cơ thể, tăng cường lượng calci vào mô xương giúp xương vững chắc hơn và phát triển tốt hơn. Thời gian tập luyện với cường độ cao kéo dài 1,5 – 2 giờ/ ngày có thể làm tăng GH lên 3 lần. Việc tập luyện thể dục thể thao vào ban ngày còn giúp tăng GH vào ban đêm. Việc tập luyện cần được duy trì điều độ và tăng cường độ dần đều theo thời gian, nếu chỉ tập luyện nhẹ nhàng trong một thời gian ngắn hay tập luyện nặng quá lầu thì không thúc đẩy phát triển chiều cao. Vì lợi ích như vậy, cha mẹ cần hướng dẫn và tạo cho con thói quen tập thể dục hàng ngày với những bài thể dục vừa sức, phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ cũng là một phần rất quan trọng vì quá trình phát triển chiều dài xương chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Các nhà khoa học ở Hoa Kỳ thấy rằng 90% sự phát triển của xương diễn ra vào lúc ngủ hoặc nghỉ ngơi; thiếu ngủ hoặc thức trăng đêm sẽ làm ảnh hưởng đến phát triển chiều cao dần đều theo thời gian. Ngủ ngon, ngủ sâu giúp cơ thể tiết hormone tăng trưởng, giúp tăng hấp thu canxi, kích thích xương dài ra và phát triển thể chất toàn diện. Số giờ ngủ tuỳ nhu cầu của mỗi lứa tuổi, song nhìn chung trẻ cần ngủ trên 8 giờ một ngày.

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108