Bạch tật lê còn có tên gai trống, tật lê, thích tật lê, gai ma vương… Tên khoa học: Tribulus terresiris L.. Cây mọc hoang ở những vùng đất khô, đất cát, nhất là dọc ven biển miền Trung. Bộ phận dùng làm thuốc là quả chín phơi hay sấy khô. Nên chọn quả già phơi khô hình tam giác, có màu trắng hoặc vàng ngà, vỏ cứng dày có gai, loại khô to chắc, không lẫn tạp chất là tốt.
Ở Ấn Độ, quả bạch tật lê dùng làm thuốc kích thích ăn uống, chống viêm, lợi tiểu, điều kinh, tráng dương, bổ thận, chữa sỏi thận. Ở Trung Quốc, bạch tật lê được sử dụng từ lâu đời, giúp cân bằng gan, ôn dương, trị nhức đầu, chóng mặt, mắt sưng đỏ, chảy nước mắt sống.
Về thành phần hóa học, bạch tật lê chứa chất ancaloit 0,001%, chất béo 3,5%, ít tinh dầu… Theo Đông y, bạch tật lê vị đắng, tính ôn, vào kinh phế, can. Tác dụng bình can giải uất, tán phong trừ thấp, hành huyết. Trị nhức đầu, mắt đỏ, nhiều nước mắt, phong ngứa, tích tụ, mất sữa… Ngày dùng 12 -16g.
Một số phương thuốc có dùng bạch tật lê
Trị bệnh thời khí (tứ thời cảm mạo)
Dùng bài Bạch tật lê thang: bạch tật lê, bạch thược, cam thảo, đương quy, hoàng liên, mộc tặc, sơn chi, thanh thương tử, thảo quyết minh, mỗi vị 4g, hoàng cầm, xuyên khung, mỗi vị 2g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị ghẻ ngứa do nhiệt độc
Dùng bài Bạch tật lê tán: bạch tật lê, bạch tiễn bì, cam thảo, cát cánh, chi tử, huyền sâm, mạch môn, phòng phong, tiền hồ, hoàng cầm, xích thược, đại hoàng, mỗi vị 8g. Tất cả tán bột, mỗi lần uống 8g với nước sắc bạc hà.
Trị hoạt tinh, di tinh do thận âm hư, đau lưng ù tai, tay chân vô lực
Dùng bài Kim tỏa cố tinh hoàn gia vị: bạch tật lê, sa uyển tử, long cốt, mẫu lệ, mỗi vị 40g; khiếm thực, liên tu, liên tử, mỗi vị 80g. Làm hoàn hoặc sắc uống. Công dụng: cố thận, sáp tinh.
Trị đau đầu hoa mắt chóng mặt do can hỏa vượng
Kinh nghiệm dân gian dùng: bạch tật lê, câu đằng, ngưu tất, mỗi vị 12g, cúc hoa 14g, bạch thược 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trị đau mắt chảy nước mắt
Kinh nghiệm dân gian dùng: bạch tật lê, cúc hoa, mạn kinh tử, quyết minh tử, bạch thược, thuyền thoái, mỗi vị 10 – 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kiêng kỵ: Người huyết hư không nên dùng bạch tật lê.
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống