Logo

Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của đại danh y Tuệ Tĩnh

Lượt xem: 970 Ngày đăng: 13/06/2019

Tuệ Tĩnh Thiền sư (1330-1400) tên  là Nguyễn Bá Tĩnh, biệt hiệu là Hồng Nghĩa, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Ông sinh ở làng Nghĩa Phú (tục gọi là làng Xưa), thuộc tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương – nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông được phong là ông tổ ngành dược Việt Nam và là người mở đầu cho nền y dược cổ truyền Việt Nam. Các bộ sách Nam Dược thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư của ông không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam.

Cuộc đời  Đại y thiền sư Tuệ Tĩnh

           Theo những tài liệu nghiên cứu, ngôn ngữ học Việt Nam có ghi Tuệ Tĩnh thuộc đời nhà Trần. Ông mô côi mẹ từ lúc 6 tuổi và được các sư tại chùa Hải Triều và chùa Giao thuy nuôi ăn học.

          Đến năm 22 tuổi ông đỗ đạt thi cử nhưng ko ra làm quan mà đi tu tại chùa và lấy pháp danh là Tuệ Tĩnh. Trong thời gian đi tu, ông chuyên tâm nghiên cứu y học cổ truyền làm thuốc chữa bệnh cứu người.

            Nǎm 30 tuổi, ông trở về trụ trì chùa Yên Trang. Ông đã tu bổ lại chùa này với một số chùa khác (24 ngôi) ở hạt Sơn Nam và quê hương, huấn luyện y học cho các tǎng ni để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc.

          Năm 45 tuổi, ông thi Đình đậu Hoàng giáp nhưng vẫn không ra làm quan mà theo đuổi việc cứu chữa, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đường quan trường thênh thang công danh bổng lộc nhưng không quyến rũ được ông như chữ y, chữ thiền.

          Đến năm 55 tuổi, với kiến thức uyên bác về y dược của mình, ông bị cống sang nhà Minh ở Trung Quốc. Sang Trung Quốc ông vẫn nghiên cứu về y học và làm thuốc. Tài năng của ông được vua Minh phong là Đại y Thiền sư. Ông qua đời tại Giang Nam Trung Quốc.

          Tuệ Tĩnh trong thời gian tại Trung Quốc luôn nhớ về quê hương và luôn mong muốn được trở về quê hương. Chính vì vậy trên bia mộ ông có dòng chữ “Ai về nước Nam cho tôi về với”.

          Năm 1690 tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang Trung Quốc, vô tình thấy mộ Tuệ Tĩnh. Cảm động với lời nhắn gửi của ông, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã sao chép lại rồi tạc đá mang về Hải Dương.

Những cống hiến cho nền y dược học

          Trước khi sang Trung Quốc, trong thời gian ở trong nước, ông luôn chú trong trông cây thuốc, chữa bệnh và giảng dạy y đồ cho các tăng đồ. Ông đã tổng hợp những kiến thức y – dược của mình để viết nên bộ sách Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa. Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật, và bài “Phú thuốc Nam” 630 vị cũng bằng chữ Nôm.

          Những tác phẩm nổi tiếng của Tuệ Tĩnh, bên cạnh kiến thức y lý cổ truyền sâu sấc, những kinh nghiệm phong phú về sử dụng thuốc Nam, còn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đó là xây dựng những quan điểm về y học dân tộc mà đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự của nó. Đó là xây dựng nền y dược học trên tinh thần tự cường dân tộc. Tuệ Tĩnh không câu nệ vào sách xưa mà biết kết hợp nhuần nhuyễn có thể coi là tuyên ngôn về tinh thần dân tộc trong y học hài hoà giữa lý luận với kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm dân gian theo thực tiễn bệnh tật, khí hậu, thổ nhưỡng và con người Việt Nam.

          Với nhiều cống hiến to lớn của mình, Tuệ Tĩnh được tôn là ông thánh thuốc nam, là người đã mở đường cho sự nghiên cứu thuốc nam, xây dựng nền móng cho Y học dân tộc của nước nhà. Ông đã tổng hợp và để lại những bài thuốc, nhiều kinh nghiệm y dược quý báu cho hậu thế.