Logo

Việt Nam có thêm loại thuốc mới giúp người nghiện hết thèm ma túy

Lượt xem: 329 Ngày đăng: 09/05/2020

Viên ngậm Buprenorphine là thuốc điều trị nghiện ma túy, tương đương thuốc Methadone, giúp loại bỏ hoàn toàn cơn thèm ma túy.

Ông Đoàn Thanh Hải, 56 tuổi, ở Điện Biên, là một trong những bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam được điều trị bằng thuốc Buprenorphine.

Ông này nghiện ma túy từ những năm 90, thường xuyên hút, chích heroin, mỗi ngày 2-3 lần, chi phí hết khoảng 400.000 đồng.

“Tôi từng cai nghiện 4 lần nhưng rồi tái nghiện. Heroin làm cho sức khỏe tôi giảm sút, kinh tế cạn kiệt, gia đình tan nát”, ông Hải nói.

Được các bác sĩ thăm khám, tư vấn cai nghiện, hiện nay ông Hải điều trị bằng thuốc Buprenorphine được 16 ngày với liều 12 mg mỗi ngày.

“Uống thuốc ngày thứ nhất, tôi vẫn sử dụng heroin nhưng không còn cảm giác phê nữa. Ngày thứ hai, bác sĩ tăng liều ngậm, tôi không còn cảm giác thèm heroin. Hiện, sức khỏe của tôi tốt lên nhiều, ăn uống ngon miệng hơn, ngủ sâu giấc”, bệnh nhân chia sẻ.

Thuốc Buprenorphine ở Việt Nam là dạng thuốc ngậm đóng gói thành vỉ. Ảnh do Cục phòng chống HIV cung cấp.

Thuốc Buprenorphine ở Việt Nam là dạng thuốc ngậm đóng gói thành vỉ.

Trao đổi tại cuộc họp “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine”, ngày 10/5, Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS, cho biết nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP), đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng cả về sức khỏe, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế xã hội.

Theo Bộ Công an, Việt Nam có khoảng hơn 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Nghiện ma túy được coi là bệnh mạn tính của não bộ, hiện chưa có phương thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lên đến trên 90%. Vì vậy, trên thế giới, điều trị nghiện CDTP bằng thuốc thay thế hiện được coi là một trong những giải pháp ưu việt hiện nay, chủ yếu là điều trị bằng Methadone và Buprenorphine.

Hơn 54.000 người nghiện ma túy đang được điều trị bằng Methadone. Thuốc này giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện giảm lệ thuộc vào heroin hoặc thuốc phiện, phòng các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giảm tử vong do dùng quá liều heroin, giảm các hành vi phạm pháp, giúp người nghiện phục hồi chức năng tâm lý xã hội, lao động và hòa nhập cộng đồng… Methadone là biện pháp an toàn và hiệu quả cao, tuy nhiên bệnh nhân phải đến cơ sở y tế hàng ngày để uống thuốc là trở ngại trong duy trì điều trị.

Thuốc Buprenorphine ngoài lợi ích tương tự như Methadone, thì tác dụng kéo dài nên người bệnh 2-3 ngày mới phải đến cơ sở y tế uống thuốc một lần. Do không có tương tác thuốc, nên người nghiện ma túy nhiễm HIV đang điều trị ARV nếu uống Buprenorphine cũng không cần phải tăng liều thuốc ARV.

Buprenorphine được sử dụng để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện từ năm 1995 tại Pháp, hiện có 40 quốc gia áp dụng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa Buprenorphine vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005. Theo báo cáo của WHO năm 2015, châu Âu có tới 59% các nước đang điều trị nghiện ma túy bằng Buprenorphine.

Tại Việt Nam, điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Buprenorphine được thí điểm từ năm 2015 trong khuôn khổ hai nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP HCM. Kết quả đánh giá cho thấy điều trị bằng Buprenorphine có rất nhiều ưu điểm.

Bộ Y tế chủ trương đưa thuốc Buprenophine vào điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, bổ sung thêm một sự lựa chọn bên cạnh thuốc Methadone. Ban đầu thuốc được triển khai tại 3 tỉnh miền núi Điện Biên, Sơn La và Nghệ An, sau đó mở rộng ra các tỉnh, thành phố.