Logo

TỔNG QUAN VỀ TĂNG CHOLESTEROL TRONG MÁU

Lượt xem: 143 Ngày đăng: 27/05/2021

Có rất nhiều câu hỏi mà nhiều người thắc mắc như là : Cholesterol là gì? Các dấu hiệu, triệu chứng nguyên nhân gây tăng Cholesterol trong máu như thế nào.. Việc tăng cholesterol trong máu ảnh hưởng gì đến sức khỏe? Có nguy hiểm không? Gây nên những bệnh gì?

Bài viết sau đây sẽ giải thích đầy đủ một cách tổng quan cụ thể chi tiết nhất để bạn đọc có thêm kiến thức cũng như đi thăm khám bác sĩ kịp thời nhé….

1/ Cholesterol là gì?

Cholesterol là một chất được gan sản xuất tự nhiên. Nó rất cần thiết cho việc hình thành màng tế bào, vitamin D, và một số hoocmon nhất định.

Cholesterol là một chất béo, màu vàng nhạt. Nó không tan trong nước và vì vậy không thể tự di chuyển trong máu. Lipoprotein là các hạt được hình thành trong gan giúp vận chuyển cholesterol trong dòng máu. Có nhiều dạng lipoprotein quan trọng đối với sức khỏe của bạn.

Các lipoprotein mật độ thấp (LDL), còn được gọi là “cholesterol xấu”, có thể tích tụ trong động mạch và dẫn đến những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như đau tim hoặc đột quỵ. Các lipoprotein mật độ cao (HDL) đôi khi được gọi là “cholesterol tốt” giúp LDL cholesterol trở lại gan để loại bỏ.

Gan của bạn sản xuất ra tất cả cholesterol mà bạn cần, nhưng chất béo và cholesterol có mặt trong nhiều thực phẩm chúng ta ăn ngày nay. Ăn quá nhiều thực phẩm chứa quá nhiều chất béo làm tăng mức LDL cholesterol trong máu. Điều này được gọi là có cholesterol cao. Cholesterol cao còn được gọi là tăng cholesterol máu. Cholesterol cao đặc biệt nguy hiểm khi mức HDL cholesterol quá thấp và mức LDL cholesterol quá cao.

Tăng cholesterol máu thường không gây triệu chứng. Điều quan trọng là ăn uống khỏe mạnh và thường xuyên theo dõi mức cholesterol của bạn. Khi không được điều trị, cholesterol cao có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khoẻ bao gồm đau tim hoặc đột quỵ.

2/ Tăng cholesterol máu thuần túy là gì

Tăng cholesterol máu thuần túy hoặc tăng cholesterol máu gia đình là tình trạng có mức cholesterol cao do một bất thường di truyền.

3/ Nguyên nhân gây tăng Cholesterol máu?

Tăng cholesterol thường bị trầm trọng hơn khi ăn quá nhiều thực phẩm không lành mạnh, có hàm lượng cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo trans cao. Các ví dụ về thực phẩm góp phần làm tăng cholesterol cao bao gồm:

– Thịt đỏ

– Gan và các loại thịt nội tạng khác

– Các sản phẩm hàng ngày chứa nhiều chất béo no như phó mát, sữa, kem và bơ

– Trứng (lòng đỏ)

– Các món chiên rán, như khoai tây chiên, gà rán, và hành phi

– Bơ đậu phộng

– Một số sản thực phẩm nướng, như bánh xốp nướng

– Thực phẩm chế biến từ bơ ca cao, dầu cọ, hoặc dầu dừa, sô cô la

Tăng cholesterol cũng có thể là do di truyền trong nhiều trường hợp. Điều này có nghĩa là nó không chỉ đơn giản là do thực phẩm gây ra, mà còn bởi cách mà gen của bạn hướng dẫn cơ thể xử lý cholesterol và chất béo. Gen được truyền từ cha mẹ sang con.

Các điều kiện khác như đái tháo đường và suy giáp cũng có thể góp phần làm tăng cholesterol. Hút thuốc lá cũng có thể làm tăng các vấn đề về cholesterol.

4/ Ai có nguy cơ bị tăng Cholesterol máu?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), hơn 1/3 người Mỹ trưởng thành bị tăng mức LDL hoặc cholesterol “xấu”. Người dân ở mọi lứa tuổi, chủng tộc và giới tính đều có thể bị tăng cholesterol.

Bạn sẽ có nguy cơ cao bị tăng cholesterol máu nếu bạn:

  • Có tiền sử gia đình bị tăng cholesterol máu
  • Có chế độ ăn uống chứa lượng chất béo bão hòa quá mức
  • Bị thừa cân hoặc béo phì
  • Bị đái tháo đường, bệnh thận, hoặc suy giáp

5/ Triệu chứng của tăng cholesterol là gì?

Trong phần lớn các trường hợp, tăng cholesterol là một vấn đề im lặng và thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Đối với hầu hết mọi người, nếu họ không kiểm tra thường xuyên và theo dõi mức cholesterol, các triệu chứng đầu tiên của họ là các biến cố như đau tim hoặc đột quỵ.

Trong một số ít trường hợp, có các hội chứng gia đình mà mức cholesterol rất cao (tăng cholesterol máu gia đình). Những người này có mức cholesterol ≥ 300 mg/dL. Những người như vậy có thể cho thấy các triệu chứng của tăng cholesterol do sự tích tụ cholesterol (xanthomas) trên gân hoặc dưới mí mắt (xanthalasmas). Trong khi tình trạng tăng cholesterol ảnh hưởng đến phần lớn người dân Hoa Kỳ, tăng cholesterol máu gia đình chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1/500 người.

6/ Tăng cholesterol được chẩn đoán như thế nào?

Tăng cholesterol rất dễ chẩn đoán bằng xét nghiệm máu được gọi là bilan lipid. Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của bạn và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì ít nhất 12 giờ trước khi làm xét nghiệm.

Bilan lipid đo mức cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, HDL-cholesterol và triglyceride của bạn. Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Bệnh tật (CDC) xác định mức cholesterol máu dưới đây là “tối ưu”, là đích bạn nên nhắm tới:

– Cholesterol toàn phần: dưới 200 mg/dL

– LDL cholesterol: < 100 mg/dL

– HDL cholesterol: ≥ 40 mg/dL

– Triglyceride: < 150 mg/dL

Những khuyến cáo này dành cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Mức cholesterol mục tiêu cần đạt có thể khác nếu bạn có các vấn đề khác như bệnh đái tháo đường. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn biết mức cholesterol tối ưu của bạn là bao nhiêu.

7/ Tăng Cholesterol máu được điều trị như thế nào?

Tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh thường là đủ để làm giảm mức cholesterol. Một số trường hợp cần sử dụng thuốc, đặc biệt nếu mức LDL cholesterol quá cao.

Thuốc

Loại thuốc thường được sử dụng nhất để điều trị tăng cholesterol máu là statin. Statins hoạt động bằng cách ức chế gan của sản xuất nhiều cholesterol. Những loại thuốc này cũng gián tiếp làm giảm mức LDL cholesterol và triglycerides trong máu và một số thuốc trong nhóm cũng có thể làm tăng mức cholesterol “tốt”, HDL.

Các ví dụ về statin:

  • Atorvastatin (Lipitor)
  • Fluvastatin (Lescol)
  • Rosuvastatin (Crestor)
  • Simvastatin (Zocor)

Các loại thuốc khác để điều trị tăng cholesterol bao gồm:

  • Niacin
  • Bile acid resin hoặc sequesterant như colesevalam (Welchol), colestipol (Colestid), hoặc cholestyramine (Prevalite)
  • Chất ức chế hấp thu cholesterol, như ezetimibe (Zetia)
  • Ngoài ra còn có các sản phẩm kết hợp vừa làm giảm sự hấp thu cholesterol bạn ăn vào vừa làm giảm lượng cholesterol do gan sản xuất. Một ví dụ là sự kết hợp của ezetimibe và simvastatin (Vytorin).

Thay đổi lối sống

Bởi vì lối sống của một người thường làm tăng cholesterol, do đó sự thay đổi lối sống rất quan trọng để giảm tình trạng này. Thực hiện các bước sau để giúp làm giảm cholesterol.

Có chế độ ăn ít chất béo bão hòa. Thịt nạc, chẳng hạn như thịt gà và cá không chiên, hoa quả, rau, và ngũ cốc nguyên hạt là những thực phẩm hữu ích. Tránh các thực phẩm chiên, nhiều mỡ, cũng như những thực phẩm quá nhiều carbohydrate và đường

Ăn cá chứa axit béo omega-3 có thể giúp làm giảm LDL cholesterol. Ví dụ cá hồi, cá thu, và cá trích giàu omega-3. Hạt óc chó, hạt lanh và hạnh nhân cũng có chứa omega-3.

  • Tránh uống quá nhiều rượu.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút một ngày, năm ngày một tuần.
  • Bỏ hút thuốc.

Thảo dược và thực phẩm chức năng

Một số thực phẩm đã được đề xuất để giúp làm giảm cholesterol máu, mặc dù chưa có bằng chứng nào rõ ràng về điều này. Chúng bao gồm:

  • Chất xơ
  • Đậu nành
  • Cám yến mạch (tìm thấy trong bột yến mạch và cả yến mạch)
  • Lúa mạch
  • Atisô
  • Chất Psyllium Vàng (được tìm thấy trong vỏ hạt)
  • Hạt lanh đất

Một số loại thảo mộc cũng được cho là có lợi. Mức chứng cứ ủng hộ điều này rất khác nhau. Không có chất nào được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận để điều trị tăng cholesterol. Một số ví dụ gồm:

  • Tỏi
  • Chiết xuất hạt ô liu
  • Táo
  • Chiết xuất trà xanh

Luôn luôn thảo luận với bác sĩ của bạn trước khi dùng bất cứ thực phẩm chức năng hay thảo dược nào. Các loại thảo dược này có thể tương tác với các loại thuốc khác bạn uống.

8/ Bác sĩ chuyên khoa gì sẽ điều trị tăng cholesterol máu?

Bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ là người đầu tiên đo mức cholesterol của bạn. Xét nghiệm bilan lipid thường được thực hiện thường quy trong lần khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ chăm sóc chính của bạn. Họ có thể giới thiệu bạn đến khám chuyên gia nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Ví dụ, nếu bạn thừa cân, béo phì hoặc không thể tuân theo chế độ ăn ít chất béo bão hòa hoặc tập thể dục thường xuyên.

Các chuyên gia điều trị, giúp quản lý tăng cholesterol bao gồm:

  • Bác sĩ chuyên khoa tim là bác sĩ chuyên về các rối loạn của tim. Đến khám bác sĩ tim mạch là cần thiết nếu bạn đã có các biến chứng nghiêm trọng của tăng cholesterol như tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch do xơ vữa.
  • Các nhà dinh dưỡng học là những chuyên gia có thể giúp phân tích chế độ ăn uống hiện tại của bạn. Họ có thể giúp bạn thực hiện chế độ ăn uống thân thiện với cholesterol dựa trên những thức ăn bạn thích và không thích.
  • Các chuyên gia về lipide là những bác sĩ chuyên về nghiên cứu chất béo trong máu. Đây là một chi nhánh đang nổi lên của y học với tương đối ít các học viên. Mặc dù có sẵn các chuyên ngành đào tạo về lipid, nhưng Hội Y khoa Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận lipidology như là một phụ khoa phụ độc lập. Một chuyên gia về lipide có thể đưa ra các lựa chọn điều trị bổ sung nếu thuốc giảm cholesterol và thay đổi lối sống chưa đủ tác dụng.
  • Các chuyên gia về tập thể dục giúp mọi người tạo ra một kế hoạch cá nhân để có thể tham gia tập thể dục và hoạt động thể chất nhiều hơn. Họ được đào tạo để giúp bạn có được lợi ích tối đa lên tim từ kế hoạch tập thể dục của bạn.
  • Các nhà nội tiết học là những bác sĩ chuyên chẩn đoán bệnh liên quan đến tuyến nội tiết. Một nhà nội tiết học có thể giúp điều trị những người đang bị mất cân bằng hoocmon.

9/ Biến chứng của tăng cholesterol là gì?

Nếu không được điều trị, tăng cholesterol có thể gây hình thành mảng bám trong động mạch của bạn và dẫn đến chứng xơ vữa động mạch. Theo thời gian, sự tích tụ cholesterol (mảng bám) có thể làm hẹp các động mạch của bạn và do đó máu đi qua ít hơn.

Xơ vữa động mạch là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Những biến chứng này bao gồm:

  • Đột quỵ
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đau thắt ngực (đau ngực)
  • Bệnh mạch máu ngoại biên
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh thận mạn tính nếu mảng bám tích tụ trong các động mạch thận.

10/ Dự phòng tăng cholesterol máu như thế nào?

Tăng cholesterol mà do các yếu tố di truyền thì không thể ngăn ngừa. Những điều bạn có thể làm để giúp hạ thấp cholesterol ở mức mong muốn hoặc ngăn không cho nó trở nên nghiêm trọng:

  • Luyện tập thể dục đều đặn.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, ít chứa chất béo động vật.
  • Ăn các món nướng, hấp, quay và rang thay vì các loại thực phẩm chiên.
  • Chọn thịt nạc.
  • Chọn sản phẩm sữa ít chất béo hoặc không có chất béo.
  • Tránh các loại thức ăn nhanh.
  • Chế độ ăn nhiều chất xơ.
  • Không hút thuốc. Hút thuốc làm tổn thương các mạch máu và làm tăng đáng kể nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ.
  • Tránh uống quá nhiều rượu. Mặc dù việc uống rượu vừa phải (không quá hai ly một ngày) thực sự có thể làm tăng mức HDL cholesterol có lợi.
  • Kiểm tra cholesterol thường xuyên. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo bạn nên kiểm tra mức cholesterol mỗi 4 đến 6 năm nếu bạn là người khỏe mạnh trên 20 tuổi. Bạn có thể cần phải kiểm tra cholesterol thường xuyên hơn nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao bị tăng cholesterol.
  • Duy trì trọng lượng tối ưu

11/ Viễn cảnh của tăng cholesterol là gì?

Nếu không điều trị, tăng cholesterol có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng và thậm chí tử vong.

Phương pháp điều trị tăng cholesterol và bệnh tim mạch đã được cải thiện qua nhiều năm. Y học và giáo dục đã làm giảm đáng kể số người tử vong do bệnh tim mạch và các biến chứng khác.

Tuy nhiên, tăng cholesterol vẫn là một vấn đề lớn tại Hoa Kỳ do lối sống tĩnh tại và ít sự lựa chon thực phẩm. Thay đổi tích cực lối sống của bạn, bao gồm ăn uống lành mạnh và tập thể dục nhiều hơn, có thể giúp bạn sống lâu và khỏe mạnh.