Logo

Thuốc giải rượu: lợi bất cập hại!

Lượt xem: 251 Ngày đăng: 05/02/2021

Thuốc giải rượu còn được gọi là thuốc giải say. Thuốc giải say là thuốc giúp việc say rượu giảm bớt khi đang uống hay ngay sau uống rượu, hoặc giúp tăng “đô” rượu trước khi uống rượu. Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, từng tiếp nhận bệnh nhân nghiện rượu uống tới say xỉn rồi uống thuốc giải rượu tức giải say phải đi cấp cứu. Cũng có trường hợp mắc bệnh gan rồi nhưng lạm dụng thuốc giải rượu, coi đó như thần dược giúp uống rượu nhiều hơn, thế là dẫn tới suy gan phải nhập viện!

Các viên thuốc giải rượu thực chất nhiều loại là thực phẩm chức năng, có mặt trên thị trường hiện nay khá nhiều như: RU-21, ME-21, Mewol-21, và gần đây là Voskyo 3… Các viên thuốc này có thành phần chủ yếu gồm vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic…, hoặc chứa chất giúp chuyển hóa là metadoxin. Thực chất, các viên giải rượu hay giải say vừa kể chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần trong quá trình chuyển hóa rượu, chứ chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi cơ quan dễ bị rượu làm tổn hại là gan hoặc triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi trạng thái say xỉn. Chính vì lầm tưởng viên giải rượu là thuốc tốt mà nhiều người cứ vô tư uống rượu rồi dùng nó để hóa giải và nghĩ rằng không bị rượu ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Nhưng thực tế, khi đã uống rượu vào cơ thể nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gan và hệ thần kinh và viên giải rượu và không có tác dụng thần kỳ bảo vệ cho gan và hệ thần kinh không bị suy suyển, tổn hại.

Còn uống viên giải rượu gọi là tăng “đô”, tức tăng khối lượng rượu uống vào khi đi nhậu thì chỉ chuốc họa vào thân. Đã có trường hợp dân nhậu suýt mất mạng vì tưởng mình đã có thuốc giải rượu nên cứ uống thoải mái bất kể liều gây độc đưa đến ngộ độc rượu cấp.

Cũng có người uống rượu nhiều thuờng bị nhức đầu, khi dùng aspirin hoặc paracetamol trước hoặc sau khi uống rượu nhờ có tác dụng giảm đau sẽ giúp hết nhức đầu, giúp người uống rượu dễ chịu hơn. Nhưng từ tác dụng vừa kể rồi suy luận ra rằng dùng aspirin hay paracetamol trước khi uống rượu như thuốc giải rượu có thể giúp tăng “đô” rượu, uống như hũ chìm mà không thấy “xi nhê” say xỉn gì cả thì thật là nguy hiểm. Aspirin có tác dụng phụ là làm tổn hại niêm mạc dạ dày – tá tràng, đưa đến viêm loét, thậm chí có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Người uống rượu không thôi đã gây hại dạ dày rồi, nay uống thêm aspirin thì không khác thọc mũi dao sắc cạnh là aspirin vào dạ dày vốn mong manh dễ vỡ do uống rượu của mình. Còn paracetamol là thuốc có một độc tính ít người biết đến là paracetamol gây hại gan rất dữ. Dùng paracetamol liều cao, lâu ngày có thể làm gan nhiễm độc, làm hoại tử tế bào gan. Người uống rượu lâu ngày, gan đã bị suy yếu rồi, nay lại uống thêm paracetamol gọi là để tăng “đô” ngừa nhức đầu thì chắc chắn tăng “đô” hay ngừa nhức đầu đâu không thấy mà chỉ thấy cửa tử là bị hoại tử tế bào gan rất nguy hiểm.

Những điều trình bày khá chi tiết ở trên cho thấy rằng người khôn ngoan không bao giờ có ý tưởng dùng bất cứ thuốc gì như thuốc aspirin, paracetamol, metadoxin, hay chế phẩm RU-2, Vokyno 3 hay thuốc thuộc loại gia truyền nào đó… uống trước khi uống rượu để tăng “đô” rượu, để giải rượu giải say. Hoàn toàn không có thuốc gì hay chế phẩm nào có thể giúp uống rượu như hũ chìm, ngày nào cũng uống mà người lại tỉnh như không và sức khỏe được toàn vẹn. Muốn trở thành “cao thủ võ lâm” trong làng nhậu để làm gì khi uống bia rượu đều đưa vào người một lượng cồn mà cơ thể ta chỉ xem là chất độc không hơn không kém, phải cật lực chuyển hóa, đào thải rượu nhưng sau cùng cũng bị nhiễm độc bởi chất độc này.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hoàn toàn không có thuốc gì giúp người uống rượu say mèm lại tỉnh táo như không uống gì. Tốt nhất, hãy biết bảo vệ chính mình bằng cách không uống rượu bia. Còn nếu phải uống rượu bia vì giao tế trong xã hội, hãy uống vừa phải, biết điểm dừng. Không nên biến rượu, bia thành bạn hàng ngày. Khi say nên nghỉ ngơi, uống một số nước dân gian hay dùng để giải độc như: nước chanh, nước sắn dây, nước nấu đậu xanh nghiền nát.

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống