Thực hiện ngay các việc làm này để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát
Lượt xem: 39 Ngày đăng: 07/07/2021
Đang là thời điểm “vào mùa” của bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt theo các chuyên gia y tế, năm 2021 là năm chu kỳ dịch sốt xuất huyết bùng phát. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nếu không có biện pháp ngăn chặn có thể “dịch chồng dịch”.
Hiện tại thời tiết nóng, mưa nhiều rất thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây bệnh, nguy cơ dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 22.000 ca mắc sốt xuất huyết, đã ghi nhận các trường hợp tử vong tại Phú Yên, Bình Dương, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh…
Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, đã ghi nhận 159 trường hợp mắc sốt xuất huyết, dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây. Đặc biệt, một số địa phương đã xuất hiện các ổ dịch số mắc lớn như ở huyện Hoài Đức và rải rác ghi nhận ca bệnh tại các quận, huyện khác.
Dịch có thể bùng phát theo chu kỳ
Theo TS. BS. Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thông thường, cứ sau khoảng 4 năm dịch lại bùng phát mạnh ở miền Bắc với số ca mắc gia tăng. Theo quy luật, năm 2021 là năm bùng phát dịch theo chu kỳ.
Lần dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh nhất gần đây là năm 2017, có 30 trường hợp đã tử vong với sự xuất hiện của type mới (D3, D4) bên cạnh type D1, D2 vẫn lưu hành hàng năm. Chu kỳ này có cơ sở khoa học liên quan đến sự phát triển của quần thể trung gian truyền bệnh.
Vòng đời của muỗi vằn
Theo BS CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng không phải vậy, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày như: bể nước , bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng…
Vì vậy, cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu sẽ là môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn.
Ít ai ngờ tới những nơi như: bể nước , bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ là nơi để bọ gậy sinh sôi.
Không chủ quan và không cần vượt tuyến
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, sốt xuất huyết nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Đối tượng nào cũng có thể bị mắc sốt xuất huyết dù là người già, trẻ nhỏ hay thanh niên. Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Hiện lưu hành 4 týp virut sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại và thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước. Cụ thể, virut gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virut nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virut đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng viruts còn lại.
Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp vi rút Dengue còn lại.
Tuyệt đối không được uống aspirin và ibuprofen khi có triệu chứng sốt xuất huyết
Về điều trị bệnh, BS Cấp đưa ra khuyến cáo:
Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, thời gian này không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng. Bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà.
Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, nhiều người bệnh hay cho rằng bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng.
Về vấn đề uống thuốc khi có triệu chứng sốt xuất huyết, Bs Cấp khuyến cáo: Tuyệt đối không được uống aspirin và ibuprofen. Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt… , đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Tất cả các bệnh viện địa phương đều có khả năng điều trị bệnh sốt xuất huyết, không nhất thiết phải đến tuyến Trung ương, gây nguy hiểm cho bệnh nhân nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Chỉ trong những trường hợp bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở sẽ hồi sức ban đầu và cho chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến Trung ương bằng xe cứu thương- BS CKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống