Logo

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp đối với sức khỏe con người

Lượt xem: 6 Ngày đăng: 28/09/2021

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, nó không chỉ ảnh hưởng lớn đến gánh nặng bệnh lý tim mạch mà còn là gánh nặng bệnh tật cho người dân.

Theo bác sĩ Nguyễn Bạch Hải Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa  Tâm Anh Hà Nội, tăng huyết áp tác động âm thầm đến cơ thể, tác động dần mỗi ngày. Khi huyếp áp tăng, tim sẽ bóp với áp lực mạnh hơn để đưa máu từ tim đến các động mạch, tim làm việc nhiều sẽ có thể dày lên, dẫn đến suy tim.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp đối với sức khỏe con người (ảnh minh họa)

Khi huyết áp tăng thì tất cả hệ thống động mạch của cơ thể đều bị ảnh hưởng. Nội mạng mạch sẽ bị tổn thương và kết hợp với những yếu tố khác như mỡ máu cao, hút thuốc lá, rượu bia… sẽ hình thành mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa nếu tiến triển dần sẽ gây hẹp, đứt vỡ hoặc tắc mạch. Nếu gây tắc mạch não sẽ dẫn đến đột quỵ (tai biến mạch máu não). Nếu mạch máu đó bị ở trên não lâu ngày sẽ giãn ra, chỗ giãn ra này nếu chẳng may huyết áp cao sẽ gây ra vỡ, gây xuất huyết não.

Đối với các mạch khác, đặc biệt là mạch vành vôi tim là mạch rất quan trọng thì lâu ngày cũng gây tổn thương xơ vữa, gây hẹp dần, máu không nuôi được cơ tim, gây thiếu máu cơ tim, sẽ gây ra bệnh động mạch vành. Nếu biến cố đứt, vỡ gây biến chứng cấp tính – đó là nhồi máu cơ tim. Đây là biến chứng nặng nề, tử vong rất cao. Đối với mạch thận, tăng huyết áp gây suy thận. Còn mạch chi thì gây hẹp mạch chi, làm tưới máu chi hoạt động kém, dẫn đến đau chân khi di chuyển. Tăng huyết áp còn gây ảnh hưởng đến động mạch chủ, có thể giãn, phì, biến chứng nặng nề. Ngoài ra, tăng huyết áp có thể gây các rối loạn về chức năng cương dương ở nam giới – bác sĩ Yến cho biết.

Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ người bị THA trong cộng đồng ngày càng gia tăng và hiện đang ở mức rất cao. Các biến chứng của THA thường rất nặng nền như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa…

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp trong cộng đồng như: Tuổi cao, hút thuốc, lạm dụng rượu bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị THA… Tuy nhiên phần lớn các yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh.

Hiện nay còn khá nhiều người dân hiểu sai về THA và các yếu tố nguy cơ của THA. Thực hiện lối sống lành mạnh, phù hợp là một biện pháp chính để phòng bệnh THA cũng như góp phần điều trị bệnh THA. Để chủ động phòng tránh bệnh THA một cách có hiệu quả, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

– Giảm cân ở người thừa cân béo phì: Vì các số liệu thống kê cho thấy cứ giảm 10kg cân nặng sẽ giúp giảm từ 5 đến 10mmHg mức huyết áp tâm thu.

– Thực hiện và tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau, cá, hải sản, các thực phẩm ít chất béo; giảm ăn các loại thịt đỏ và mỡ động vật. Ăn nhiều chất xơ giúp acid mật tiêu hóa các chất béo và đào thải chúng theo đường ruột. Ăn các loại đậu (ví dụ: đậu nành) với nhiều chất xơ, chất khoáng và những chất chống oxy hóa là một nguồn chất đạm và chất béo lý tưởng cho phòng/chống THA.

– Nhu cầu muối ăn trung bình của một người là khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên vì vậy , vì vậy chỉ cần bổ sung thêm một thìa cà phê muối ăn/ngày (tương đương khoảng 5g) là đủ. Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, cần cẩn thận với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao. Cố gắng thường xuyên thực hiện “Cho bớt muối, chấm nhẹ tay, giảm ngay đồ mặn”.

– Tăng cường các hoạt động thể lực ở mức vừa phải như đi bộ nhanh hoặc bơi lội trong vòng 30 – 45 phút, 3 – 4 lần/tuần. Các hoạt động thể dục này có thể giúp làm giảm huyết áp tâm thu khoảng từ 4  đến 8 mmHg.

– Ngừng hút thuốc lá, thuốc lào là biện pháp quan trọng để phòng THA và các bệnh lý tim mạch.

– Bớt uống rượu, có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy có mối tương quan “Uống nhiều rượu dễ làm tăng huyết áp”.

– Tránh lo âu căng thẳng quá mức.

Hãy thực hiện lối sống và chế độ sinh hoạt lành mạnh để phòng tăng huyết áp!

Hãy giữ ổn định huyết áp để bảo vệ trái tim!

Nguồn: hanoicdc