Logo

Hướng dẫn luyện tập nâng cao sức khoẻ trong mùa dịch COVID-

Lượt xem: 279 Ngày đăng: 26/10/2020

yduoctuetinh.net – Để có cơ thể khỏe mạnh và hệ miễn dịch tốt ngoài ăn uống hợp lý còn cần có chế độ luyện tập thích hợp. Cần duy trì tập luyện hàng ngày vừa giúp cơ thể khỏe mạnh và phòng chống bệnh tật.

  1. Lợi ích đối với việc tập luyện

– Hoạt động thể lực giúp cho hệ hô hấp và tuần hoàn khỏe mạnh.

– Hoạt động thể lực giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng các bệnh nhiễm trùng.

– Giúp giảm căng thẳng đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi khi phải ở nhà trong thời gian dài.

– Giúp cho trẻ tăng trưởng chiều cao.

– Phòng chống thừa cân béo phì cho mọi lứa tuổi.

– Giúp kiểm soát đường máu và mỡ máu với những người mắc bệnh chuyển hóa.

– Giúp cho cơ thể mềm dẻo, linh hoạt, tăng khả năng giữ thăng bằng.

– Hoạt động thể lực giúp cải thiện giấc ngủ, đặc biệt ở người cao tuổi.

  1. Nên luyện tập tại nhà như thế nào?

2.1. Trẻ dưới 5 tuổi

Nên tạo nhiều cơ hội cho trẻ được vận động như chạy nhảy, chơi trò chơi, giúp bố mẹ dọn nhà, gấp quần áo, sắp xếp đồ chơi…

2.2. Trẻ em lứa tuổi học đường

Giai đoạn này là giai đoạn trẻ có sự tăng trưởng nhanh về chiều cao, đặc biệt là giai đoạn dậy thì và tiền dậy thì vì vậy hoạt động thể lực rất quan trọng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới trẻ cần vận động tối thiểu 60 phút một ngày. Tuy nhiên ở thời điểm này đang có dịch nên cần hạn chế ra ngoài, trẻ có thể áp dụng một số hình thức luyện tập tại nhà như sau: tham gia các lớp tập thể dục trực tuyến, tự nhún nhảy theo nhạc tại nhà, tập các bài luyện cơ bắp và thăng bằng. Ở vùng thành phố trẻ có thể nhảy dây, tập xà, bóng rổ, chống đẩy, đạp xe và chạy tại chỗ sử dụng các dụng cụ hỗ trợ… Ở vùng ngoại ô và nông thôn có sân vườn, trẻ có thể nhảy dây, tập xà, chạy, chống đẩy trong sân và tham gia làm vườn cùng bố mẹ. Ngoài ra trẻ nên giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, lau nhà, nấu cơm…

Nếu trẻ chưa quen hoặc chưa từng tập luyện, nên khuyến khích trẻ bắt đầu tập ít và tăng dần về thời gian, cường độ và tần suất tập luyện. Nên tạo niềm vui thích trong vận động cho trẻ.

2.3. Đối với người trưởng thành

Người trưởng thành nên tập luyện ít nhất 30 phút một ngày ở cường độ trung bình. Nên phối hợp nhiều động tác tập luyện: leo cầu thang, tập các bài tập co duỗi chân tay, tập aerobic, tập chống đẩy, tập tạ, tập yoga, tập gym, đạp xe và chạy tại chỗ với các dụng cụ hỗ trợ. Hạn chế ngồi lâu khoảng 45-60 phút cần đứng dậy, vận động 5-10 phút.

Đối với người chưa quen vận động, hãy bắt đầu bằng vận động đơn giản như đi bộ, đi cầu thang bộ ở trong nhà.

2.4. Đối với người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Người cao tuổi nên tập các bài có lợi cho sức khỏe như dưỡng sinh, thái cực quyền, yoga, tập tạ, đứng lên ngồi xuống, tập các bài tập thăng bằng, đạp xe đạp và đi bộ tại chỗ với các dụng cụ hỗ trợ. Người cao tuổi nên tập luyện hàng ngày, mỗi ngày tối thiểu 30 phút.

Khi tập các cụ vẫn có thể vừa tập vừa nói chuyện được là mức độ tập vừa với sức.

Lưu ý không tập khi: Đau ngực, tăng huyết áp chưa kiểm soát được, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, tim đập nhanh (trống ngực), bệnh nhiễm khuẩn kèm có sốt, sưng đau khớp, đang có vấn đề về bệnh võng mạc (bong võng mạc, sau hoặc đang điều trị laser bệnh võng mạc), sau thay thủy tinh thể.

BTV-KD

(Theo “Hướng dẫn dự phòng dinh dưỡng” của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam)