Logo

Điều trị viêm phế quản cấp theo Y học cổ truyền

Lượt xem: 276 Ngày đăng: 02/11/2020

yduoctuetinh.net – Viêm phế quản cấp là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày. Hầu như bất kỳ ai cũng đề bị một vài lần trong đời. Người cao tuổi, trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải các bệnh này. Bệnh có thể tự khỏi sau 1-2 tuần và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, có khá nhiều người chủ quan không điều trị sớm, dẫn đến những biến chứng khó lường. Việc kết hợp tinh hoa của hai nền y học hiện đại và cổ truyền trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân giúp tình trạng bệnh nhanh thuyên giảm, giảm được gánh nặng về sức khỏe sau điều trị, giảm thiểu tình trạng đa kháng kháng sinh hiện nay.

 

  1. Đại cương

Viêm phế quản (VPQ) là một bệnh hay gặp, thuộc phạm vi chứng khái thấu, đàm ẩm của Y học cổ truyền, được chia làm 2 thể cấp tính và mạn tính.

Nguyên nhân VPQ là do ngoại cảm phong hàn, phong nhiệt và khí táo: phong hàn và phong nhiệt xâm phạm vào cơ thể làm phế khí mất khả năng tuyên giáng gây ho, đờm nhiều; khí táo về mùa thu làm tân dịch của phế bị giảm sút gây ho khan ngứa họng. Về nội thương do công năng 3 tạng phế, tỳ, thận bị giảm sút, hàn thấp thương tỳ sinh đàm ẩm, nhiệt thương phế làm phế thận âm hư, đều đưa đến ho, đờm nhiều.

  1. Các thể lâm sàng VPQ cấp theo Đông y và phương thuốc            

2.1. Thể phong hàn: gặp ở giai đoạn đầu của VPQ cấp.

a) Triệu chứng: ho ra đờm loãng, trắng dễ khạc, sốt, sợ lạnh, nhức đầu, chảy nước mũi, ngứa cổ, khản tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

b) Pháp điều trị: sơ phong tán hàn, tuyên phế.

c) Phương thuốc: “Hạnh tô tán”.

Hạnh nhân 10g

Tô diệp      10g

Tiền hồ      10g

Trần bì        4g

Phục linh    6g

Cam thảo   6g

Bán hạ chế  6g

Chỉ xác        6g

Cát cánh      8g

Gừng 3 lát

Đại táo 4 quả

 

Tán bột, uống ngày 15-20g, chia 2 lần.

d) Châm cứu:châm tả phong môn, hợp cốc, khúc trì, ngoại quan, xích trạch, thái uyên.

2.2. Thể phong nhiệt:

a) Triệu chứng:ho khạc ra nhiều đờm màu vàng, trắng dính, họng khô và đau, sốt, nhức đầu, sợ gió, rêu lưỡi mỏng vàng, mạch phù sác.

b) Pháp điều trị:sơ phong, thanh nhiệt, tuyên phế.

c) Phương thuốc:“Tang cúc ẩm” gia giảm.

Tang diệp        12g

Cúc hoa          12g

Liên kiều          12g

Bạc hà               6g

Ngưu bàng tử  12g

Cát cánh        8g

Hạnh nhân   12g

Tiền hồ         12g

Cam thảo       4g

 

Gia giảm:

Nếu đờm nhiều , vàng dính kèm sốt cao bỏ tang diệp, cúc hoa, ngưu bàng thêm hoàng cầm 12g, ngư tinh thảo 20-40g.

d) Châm cứu:châm tả các huyệt trung phủ, thiên đột, phế du, phong môn, hợp cốc, ngoại quan, xích trạch, liệt khuyết.

2.3. Khí táo: thường gặp vào mùa thu, trời lạnh.

a) Triệu chứng:ho khan nhiều, ngứa họng, miệng khô, nhức đầu, mạch phù sác.

b) Pháp điều trị:thanh phế nhuận táo, chỉ khái.

c) Phương thuốc:“Thanh táo cứu phế thang”.

Tang diệp     12g

Thạch cao    12g

Cam thảo     16g

Mạch môn    12g

Tỳ bà diệp    12g

Hạnh nhân   8g

Đẳng sâm   16g

A giao           8g

Gừng            4g

 

Sắc uống ngày 1 thang.

d) Châm cứu:châm các huyệt trung phủ, phế du, xích trạch, thái uyên, hợp cốc, khúc trì. Nhĩ châm các huyệt vùng phế, tuyến thượng thận, bình suyễn, thần môn.

* Ngoài ra có thể dùng phối hợp với các sản phẩm bào chế sẵn có (cho cả 3 thể bệnh):

– Cao Tiêu viêm:

+ Thành phần: tô mộc, lá móng tay, huyết giác, ngải cứu, nghệ vàng.

+ Công năng chủ trị: hoạt huyết, tiêu viêm.

+ Cách dùng: 30 – 50 ml/ngày , uống chia 2 lần.

–         Cao Hạnh tô:

+ Thành phần: ma hoàng, mạch môn, trần bì, bối mẫu, thạch cao, cát cánh, hạnh nhân, cam thảo.

+ Công năng chủ trị: tuyên phế, thanh nhiệt, giáng khí, bình suyễn.

+ Cách dùng: 15-30ml/ngày, uống chia 2 lần.

 

BTV-KD

(Theo trang thông tin điện tử BV Y học cổ truyền Trung ương)