Logo

Day ấn huyệt chữa ngạt mũi, chảy nước mũi

Lượt xem: 161 Ngày đăng: 05/01/2021

Tạng phế là tạng chủ yếu về khí và sự hô hấp của toàn thân. Phế khai khiếu ra mũi, mũi là cửa ngõ của phế. Khi khí phế bị phong hàn thường sinh ra chứng ngạt mũi, sổ mũi hay không ngửi thấy mùi. Phế chủ trị tiết, biểu hiện ở phần huyết mạch. Tâm chủ huyết, phế chủ khí. Khi phế hư có thể hại cả tâm và huyết. Chữa ngạt mũi bằng đông y giúp khí huyết lưu thông, các cơ mềm mại.

Xoa huyệt Nghinh hương chữa ngạt mũi, chảy nước mũi.

Xoa bóp huyệt Ấn đường

Huyệt ấn đường nằm tại vị trí ở giao điểm đường thẳng nối thẳng 2 đầu cung lông mày với đường chính trung. Huyệt Ấn đường có công dụng trừ phong nhiệt và định thần chí nên khi tác động vào vị trí của huyệt này sẽ giúp bạn giải phóng được dịch mũi một cách nhanh chóng, giúp mũi thông thoáng, giảm ngay biểu hiện của chứng nghẹt mũi.

Nên thực hiện động tác day ấn huyệt Ấn đường khoảng 40 lần cho đến khi trán nóng lên là mũi sẽ được thông. Nếu vài giờ sau, ngạt mũi lại tái phát thì bạn vẫn tiếp tục thực hiện động tác này để giảm bớt đi cảm giác khó chịu.

Xoa bóp huyệt Nghinh hương

Huyệt Nghinh hương là huyệt nằm ở bên cạnh cánh mũi, cách 2 cánh mũi khoảng 0,8cm. Việc tác động vào huyệt Nghinh hương có tác dụng thông tỷ khiếu, tán phong, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm mũi, ngạt mũi…

Xoa bóp huyệt Hợp cốc

Huyệt Hợp cốc là huyệt nằm giữa các ngón cái và ngón trở, tác động vào huyệt hợp cốc trị đau đầu, cảm mạo.

Ngoài những cách xoa bóp bấm huyệt trị liệu giúp hạn chế ngạt mũi, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp xoa bóp này để điều trị chứng chảy nước mũi khi giao mùa, khi bị cảm lạnh như sau: Dùng ngón giữa và ngón trỏ vuốt mạnh từ chân mày lên đến da trán theo đường thẳng. Bạn nên thực hiện động tác này khoảng 40 lần cho đến khi trán nóng lên là nước mũi sẽ ngưng chảy. Trong trường hợp nước mũi tiếp tục chảy sau vài giờ thì bạn lặp lại động tác như trên để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

Day ấn huyệt

Có thể sử dụng ngón tay cái ấn mạnh vào huyệt Ấn đường trong khoảng 3 phút, rồi thoa chút dầu gió để làm ấm khu vực này. Sau đó dùng ngón trỏ ấn và day mạnh vào hai huyệt nghinh hương ở 2 bên cánh mũi trong khoảng 3 phút, sau đó thoa dầu vào 2 huyệt này để làm nóng huyệt và hạn chế chảy nước mũi.

Bài thuốc điều trị ngạt mũi thể phong hàn

Cát căn 9g, ma hoàng 2g, sinh cam thảo 6g, quế chi 6g, xích thược 9g, sinh ý dĩ 15g, cát cánh 9g, đại táo 12g, sinh khương 3g. Nếu nghẹt mũi nhiều có thể bỏ ma hoàng, quế chi, gia hoắc hương 6g, bạc hà 3g, tân di 9g, thương nhĩ tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia uống 3 lần trong ngày sau bữa ăn 30 phút. Mỗi liệu trình uống 5 – 7 thang.

Nếu biểu hàn nhẹ dùng: tân di hoa 6g, tiền hồ 9g, ý dĩ 12g, sinh cam thảo 3g, phòng phong 9g, thiên hoa phấn 9g, cát cánh 6g.

Với bệnh tái phát nhiều lần dùng: hoàng kỳ 12g, phòng phong 12g, tân di hoa 9g, cúc hoa 12g, ngũ vị tử 6g, bạch truật 12g, thương nhĩ tử 12g, bạch chỉ 12g, mộc thông 9g, tang phiêu tiêu 8g.

Nếu ngạt mũi nặng gia: bồ công anh 12g.

Nếu niêm mạc sưng trướng: sắc nhạt là hàn tà ngưng tụ thêm xuyên khung 12g, quế chi 6g.

Nước mũi chảy nhiều thêm: hoắc hương 9g, mộc thông 12g.

Nếu nước mũi nhiều vàng dính cho: đông qua tử 12g, xa tiền thảo 12g.

Nếu hắt hơi từng cơn, chảy nước trong nên gia: tế tân 6g, sinh ý dĩ 12g.

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống