Chuyên gia “hội tụ” chia sẻ kinh nghiệm lọc máu sớm cứu bệnh nhân COVID-19 nặng
Lượt xem: 36 Ngày đăng: 07/08/2021
Nhiều nơi thiếu hệ thống oxy trung tâm, khí nén… nhân lực hồi sức tích cực
Hiện cả nước chỉ có hơn 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa hồi sức tích cực, cá biệt có một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có vài bác sĩ về chuyên khoa này.
Trong khi số bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngày càng gia tăng, đặc biệt là tình trạng trở nặng nhanh của người bệnh.
Cùng đó, hiện cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19, nhiều bệnh viện có giường nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén, do đó không thể sử dụng được máy thở; thiếu camera, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm…
Điều này đang gây khó khăn cho các y bác sĩ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh COVID-19 nặng.
Các chuyên gia cho rằng khi được can thiệp sớm bằng biện pháp lọc máu hấp phụ các chỉ số bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt với những bệnh nhân COVID-19 đã gặp tổn thương phổi nặng.
Những thông tin trên được đưa ta tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Kỹ thuật lọc máu hấp phụ (HP)- chia sẻ kinh nghiệm từ các trung tâm ICU điều trị bệnh nhân COVID-19” do Phân hội Cấp cứu Việt Nam tổ chức chiều ngày 5/8 .
Hội thảo đã thu hút hơn 200 bác sĩ chuyên ngành hồi sức tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 tham dự. Từ thực tiễn điều trị, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ứng dụng lọc máu hấp phụ giai đoạn sớm có thể giúp tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân nặng COVID-19
Theo báo cáo khoa học của TS. BS Đỗ Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9, BV Bạch Mai và ThS. BS Thân Sơn Tùng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BVĐK Bắc Giang tại hội thảo, với những kết quả khả quan rút ra từ kinh nghiệm điều trị thực tế bệnh nhân qua phương pháp lọc máu hấp phụ đang được kỳ vọng là bước ngoặt lớn trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Bằng thực tế áp dụng trên 10 bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bắc Giang, ThS. BS Thân Sơn Tùng cho rằng khi được can thiệp sớm bằng biện pháp lọc máu hấp phụ các chỉ số bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt với những bệnh nhân đã gặp tổn thương phổi nặng.
Đặc điểm sinh bệnh học đặc trưng của COVID-19 là tăng giải phóng các yếu tố gây viêm, đôi khi phản ứng quá mạnh gây tổn thương đa phủ tạng hay gọi là bão Cytokine. Phương pháp lọc máu hấp phụ đã chứng minh được hiệu quả trong việc ngăn chặn cơn bão Cytokine.
BS Thân Sơn Tùng cũng đưa ra nhận định: Việc ứng dụng kỹ thuật lọc máu hấp phụ trên bệnh nhân COVID-19 giai đoạn sớm có thể giúp tăng tỷ lệ cứu sống, giảm nguy cơ tiến triển nặng và tiết kiệm chi phí hồi sức.
“Do đó cần thống nhất quan điểm lựa chọn bệnh nhân và thời điểm bắt đầu lọc hấp phụ để đạt hiệu quả tối ưu”- ThS Tùng nói.
Bên cạnh đó TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm chống độc BV Bạch Mai cũng cho biết phương pháp lọc máu hấp phụ đã được áp dụng trong điều trị chống độc và thu được hiệu quả tích cực.
“Với bệnh nhân COVID-19 nặng rối loạn chức năng tế bào nội mạch trầm trọng, rối loạn đông máu và cơ thể hình thành huyết khối thì việc can thiệp lọc máu hấp phụ sớm sẽ giúp những trường hợp này cải thiện tình trạng nhanh chóng, cũng như rút ngắn thời gian điều trị, giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID- 19 hiện nay”- TS. BS Nguyễn Trung Nguyên nói.
Liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, từ thực tế các đợt dịch đang cho thấy gần như chưa có tỉnh nào có thể “tự lực cánh sinh” mà không cần sự chi viện từ trung ương hay sự giúp đỡ từ các tỉnh bạn.
Cả nước hiện chỉ có một số ít bệnh viện thực hiện được kỹ thuật tim phổi nhân tạo như BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế, BVĐK Trung ương Cần Thơ…
Do đó, đác chuyên gia cho rằng với những kế quả khả quan phương pháp lọc máu hấp phụ đem lại, có thể hạn chế đáng kể những bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng phải sử dụng kỹ thuật ECMO./.