Logo

Chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi dự phòng COVID-19

Lượt xem: 264 Ngày đăng: 26/10/2020

yduoctuetinh.net – Ở người cao tuổi có sự giảm chế tiết dịch dạ dày, giảm diện tích hấp thu ở ruột, giảm khối lượng gan và chức năng chế tiết ở gan. Ðiều này dẫn tới sự giảm hấp thu xảy ra với hầu hết các chất dinh dưỡng mà chúng ta sử dụng. Người cao tuổi có sức đề kháng yếu hơn, dễ bị bệnh và khi đã bị bệnh thường mắc nặng hơn, làm quá trình điều trị khó khăn, tỷ lệ tử vong tăng cao. Chế độ dinh dưỡng phòng chống COVID-19 là chế độ ăn đủ các chất dinh dưỡng giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người cao tuổi có thể cần được trợ giúp để đảm bảo được cung cấp đủ thực phẩm, đặc biệt trong điều kiện giãn cách, cách ly xã hội hiện nay.

 ĂN UỐNG KHI BỊ VIÊM GAN

  1. Nguyên tắc chế độ ăn uống

– Người cao tuổi cần được cung cấp đủ thực phẩm, ăn đủ, đa dạng thực phẩm để phòng tránh suy dinh dưỡng, sụt cân. Chế độ ăn cần đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, trứng và có thể phối hợp các loại đậu đỗ như đậu tương, đỗ xanh và đỗ đen… Lưu ý chế biến hợp khẩu vị, sở thích và khả năng nhai nuốt thức ăn để có thể ăn đủ số lượng. Nếu không thể ăn đủ lượng thực phẩm cần thiết, hoặc người gầy, bị sụt cân nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng từ 1-2 cốc mỗi ngày.

– Nếu người cao tuổi có mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hay suy thận, suy tim thì thực hiện chế độ ăn điều trị các bệnh này như bác sĩ đã hướng dẫn.

– Để tăng cường miễn dịch, bữa ăn cần đa dạng thực phẩm. Khi chế độ ăn không đủ, nên bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng theo chỉ định.

– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

  1. Lượng thực phẩm trong ngày

– Nhóm cung cấp chất đường bột: gạo tẻ, gạo nếp, bún, miến, phở… Các loại thực phẩm như gạo lứt, gạo lật nảy mầm, yến mạch cung cấp nhiều các vitamin và chất khoáng hơn các loại gạo thông thường. Ăn khoảng 9-12 đơn vị ăn theo Tháp dinh dưỡng, tương đương khoảng 250-300g gạo (xem Hướng dẫn sử dụng các đơn vị ăn của tháp dinh dưỡng để ước lượng thực phẩm).

– Thực phẩm giàu đạm: thịt, cá, tôm, trứng, 4-5 đơn vị ăn theo Tháp dinh dưỡng, tương đương 150-200g thịt.

– Sữa tươi, hoặc phô mai, hoặc sữa chua các loại có probiotic tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Lượng dùng 400ml sữa các loại (4 đơn vị ăn). Khi người cao tuổi không ăn đủ lượng thực phẩm theo nhu cầu, hoặc bị suy dinh dưỡng, gầy mòn, cần uống các loại sữa bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng, chất đạm và vi chất dinh dưỡng từ 1-2 cốc mỗi ngày.

– Thực phẩm giàu béo: cung cấp năng lượng và chất béo bao gồm các loại hạt: lạc, điều, hoặc cacao, các loại dầu thực vật từ 4-5 đơn vị ăn tương đương 20-25g dầu.

– Các loại rau: 200-300g (3-4 đơn vị ăn) và quả chín 200-300g (3 đơn vị ăn).

– Sử dụng một số gia vị/ thực phẩm chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, nghệ, sả, nấm, tảo biển, trà xanh.

– Hạn chế muối ăn, gia vị mặn có muối: dưới 5g muối/ ngày (tương đương dưới 8 g bột canh, 25ml nước mắm). Lượng đường kính ăn dưới 25g (dưới 5 đơn vị ăn đường).

  1. Uống nước đủ, đúng cách

Góp phần phòng chống dịch COVID-19 người cao tuổi nên uống từ 6-9 cốc (tương đương 1200 – 1800 ml). Người chăm sóc cần chú ý để các cụ uống đủ nước vì nhiều người già không cảm thấy khát nước. Cần uống nước sạch, ấm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày để giữ ẩm cổ họng, không uống nước nhiều trước khi đi ngủ và không uống nước ngọt thay nước lọc. Hạn chế những đồ uống chứa cồn (bia, rượu).

  1. Lưu ý khác

– Duy trì hoạt động thể lực phù hợp, ngủ đủ, ngủ sâu giấc

– Giữ tinh thần lạc quan, làm các công việc, các hoạt động yêu thích tại nhà, giữ liên lạc thường xuyên bạn bè, người thân bằng điện thoại.

 

BTV-KD

(Theo “Hướng dẫn dự phòng dinh dưỡng” của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam)