Logo

Actisô

Lượt xem: 316 Ngày đăng: 13/11/2020

-Tên tiếng Anh: Globe artichoke, Cardoon, artichoke thistle, wild artichoke.

-Tên tiếng Pháp: Artichoke, Artichaut, Cardon.

-Tên khoa học: Cynara scolymus L. (1753), họ Cúc – Asteraceae.

-Các loài tương cận:

Cynara cardunculus: Rau ca đông, actisô dại.

Cynara humilis: Cây kế dại ở Nam Âu và Bắc Phi.

Phân loại khoa học

Bộ (ordo): Cúc (Asterales)
Họ (familia): Cúc (Asteraceae)
Chi (genus): Atisô (Cynara)
Loài (species): Actisô: Cynara scolymus 

Phân bố

Chi Actisô (Cynara) có nguồn gốc ở Bắc Phi và Nam Âu với khoảng 10-15 loài.

Cây Actisô (Cynara scolymus) là loài cây thân thảo lâu năm có nguồn gốc từ miền Nam Châu Âu (quanh Địa Trung Hải) đã được người Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã trồng để lấy hoa làm rau ăn.

Ở Châu Âu những cây actisô được trồng đầu tiên ở quanh Naples (một thành phố ở nước Ý) vào giữa thế kỷ 15. Nó được Catherine de Medici giới thiệu tới nước Pháp trong thế kỷ 16, sau đó, người Hà Lan mang nó đến Anh Quốc.

Atisô tiếp tục được mang tới Mỹ trong thế kỷ 19 bởi những người đến nhập cư ở bang Louisiana bởi người Pháp và ở bang California bởi người Tây Ban Nha.

Ngày nay, actisô được trồng chủ yếu ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha, Mỹ và các nước Châu Mỹ Latinh.

Theo số liệu thống kê của FAO (2010) thì 10 nước trồng nhiều atisô nhất thế giới là:  Italy (480.112tấn), Egypt (215.514tấn), Spain (166.700tấn), Peru (127.323), Argentina  (84.000 tấn), China (70.000 tấn), Morocco (45.460 tấn), France (42.153 tấn), Hoa Kỳ (39.190 tấn), Chile (35,000 tấn).

Actisô được du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ 20 bởi người Pháp, được trồng ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhiều nhất là ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Tên gọi của nó là sự phiên âm sang tiếng Việt của từ tiếng Pháp “artichaut”.

Vì là cây ôn đới nên cây Actisô không thể trồng được ở các nơi khác có khí hậu nóng ở Đông Dương và Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay cây Actisô cũng được lai, ghép trồng được ở vùng dồng bằng ở tỉnh Hải Dương vẩn phát triển tốt.

 

Mô tả thực vật

Actisô là loài cây thân thảo lớn, sống đa niên.

-Thân: Cây cao 1 – 1,2 m, có thể đến 2 m. Thân ngắn, thẳng và cứng, có khía dọc, phủ lông trắng như bông.

-Lá: Lá to, dài, mọc so le; phiến lá xẻ thùy sâu và có răng không đều, mặt trên xanh lục mặt dưới có lông trắng, cuống lá to và ngắn. Lá dài 1-1,2 m, rộng 50 cm.

Lá hái lúc cây sắp ra hoa hoặc mới ra hoa, dùng làm thuốc.

Lá Actisô thu hái vào năm thứ nhất của thời kỳ sinh trưởng hoặc vào cuối mùa hoa. Khi cây trổ hoa thì hàm lượng hoạt chất giảm, vì vậy, thường hái lá trước khi cây ra hoa. Có tài liệu nêu là nên thu hái lá còn non vào lúc cây chưa ra hoa.

Ở Đà Lạt, nhân dân thu hái lá vào thời kỳ trước tết Âm lịch 1 tháng.

Hoa: Nụ hoa là một khối hình quả tim có kích thước khoảng 8-15 cm, bao gồm các lá đài, cánh hoa và nhị hoa xếp chặt như bắp cải, chứa nhiều chất bổ dưỡng và là phần chính yếu được dùng làm rau ăn.

Cụm hoa hình đầu dạng tim, to, mọc ở ngọn, màu đỏ tím hoặc tím lơ nhạt, lá bắc ngoài của cụm hoa rộng, dày và nhọn, đế cụm hoa nạc phủ đầy lông tơ, mang toàn hoa hình ống. Cụm hoa và lá bắc có phần gốc nạc, ăn được,  thường được dùng làm rau ăn và làm thuốc.

Hoa cây actisô chưa nở

Hoa cây actisô đã nở

-Quả: Quả nhẵn bóng, màu nâu sẫm có mào lông trắng. Quả dính với nhau thành vòng, dễ tách khi quả chín.

-Hạt: Hạt không có nội nhũ. Gieo hạt tháng 10-11, bứng ra trồng tháng 1-2. Lúc cây sắp ra hoa, hái lấy lá, bẻ sống.

Trồng trọt

 Actisô ưa khí hậu lạnh mát quanh năm. Nhiệt độ thích hợp khoảng 15-18oC. Ở Việt Nam thường trồng ở độ cao 1.000 – 1.500 m so với mặt biển. Ở độ cao này, cây có thể sống nhiều năm, vừa sản xuất giống, vừa cung cấp dược liệu. Ở đồng bằng và trung du Bắc bộ, có thể trồng actisô vào vụ đồng xuân. Actisô là cây sinh trưởng mạnh, cho nên cần chọn đất màu dày, thoát nước và bón nhiều phân.

Trồng actisô bằng hạt và mầm nhánh. Trồng ở miền núi cao mát, cây vừa ra hoa quả, vừa đẻ mầm nhánh xung quanh gốc. Ở miền núi các tỉnh phía Bắc, có thể gieo hạt vào tháng 1, 2 hoặc vào cuối thu (tháng 9,10). Tuổi ở vườn ươm là 45-50 ngày. Khi cây có lá xẻ lông chim có thể đánh trồng.

Ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, gieo vào đầu tháng 10, đánh trồng vào hạ tuần tháng 11.

Sau khi làm đất nhỏ, lên luống cao 20-25 cm, mặt luống rộng 40 cm, bổ hốc thánh một hàng giữa luống. Hốc cách nhau 70-80 cm. Dùng phân chuồng mục 10-15 tấn/ha, bón lót. Mỗi ha trồng khoảng 10.000 cây, thúc nước phân chuồng hoặc phân đạm 2-3 lần tuỳ tình hình sinh trưởng của cây, tưới thúc lần thứ nhất sau khi trồng độ 15 ngày, lần thứ 2 cách lần thứ nhất 20 ngày. Có thể dùng đạm urê 80-100 kg/ha cho mỗi lần tưới. Làm cỏ vun xới kết hợp khi tưới thúc. Về sau, mỗi tháng làm corvun xới một lần cho đến khi cây giao tán. Ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, khoảng đầu tháng 2 có thể ngừng chăm sóc.

Ở miền núi, có thể trồng actisô một lần và thu hoạch trong 2-3 năm. Cây mẹ lụi đi, cây con lại tiếp tục phát triển. Sau khi trồng 3 tháng, có thể bắt đầu thu hái. Dùng dao sắc tỉa lá. Tuỳ khả năng chăm sóc, mỗi năm có thể thu hái 2-3 lần. Sau mỗi lần thu hái, cần bón thúc, làm cỏ và vun xới.

Khả năng di thực: Cây actisô có khả năng phát triển tốt ở những vùng có khí hậu mát mẻ như Sapa.

Khả năng phát triển vùng chuyên canh: Hiện nay, người ta đã triển khai vùng chuyên canh cây Ác ti sô tại một số nơi như Sapa. Chỉ cần có khí hậu phù hợp là loài cây này sẽ phát triển dễ dàng.

Thành phần hóa học

  1. Thành phần dinh dưỡng trong búp hoa actisô

Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong 100 g búp hoa actisô luộc có thành phần dinh dưỡng như sau:

Giá trị dinh dưỡng /100 g hoa Actisô luộc
Năng lượng 220 kJ (53 kcal)
Carbohydrates 10.51 g
– Đường 0.99 g
– Chất xơ 5.4 g
Fat 0.34 g
Đạm 2.89 g
Thiamine (vit. B1) 0.05 mg (4%)
Riboflavin (vit. B2) 0.089 mg (7%)
Niacin (vit. B3) 0.111 mg (1%)
Pantothenic acid (B5) 0.240 mg (5%)
Vitamin B6 0.081 mg (6%)
Folate (vit. B9) 89 μg (22%)
Vitamin C 7.4 mg (9%)
Calcium 21 mg (2%)
Iron 0.61 mg (5%)
Magnesium 42 mg (12%)
Phosphorus 73 mg (10%)
Potassium 276 mg (6%)
Zinc 0.4 mg (4%)
Manganese  0.225 mg

Ghi chú: Tỷ lệ % so với nhu cầu hàng ngày của người lớn theo tiêu chuẩn của US recommendations
Nguồn: USDA Nutrient Database

 b-Các thành phần hóa học khác

Trước đây người ta cho rằng hoạt chất chính của cây actisô là chất cynarrine. Những nghiên cứu gần đây chứng minh rằng có nhiều hoạt chất khác nhau chứ không riêng cynarrin (Ernst E. Naturamed 1995).

Hoạt chất chính của atisô là cynarine (acide 1- 4 dicaféin quinic). Ngoài ra còn có inulin, inulinaza, tamin, các muối hữu cơ của các kim loại kali (tỉ lệ rất cao), calci, magie, natri…Tuy chất cynarine đã tổng hợp được nhưng người ta vẫn dùng chế phẩm từ cao lá atisô tươi. Trên thế giới, biệt dược Chophytol của hãng Rosa (Pháp) là thông dụng hơn cả.

Thành phần hóa học trong lá atisô

Trong lá cây có một chất kết tinh, thường là phức hợp với calcium, magnesium, kalium, natrium, là một glucosid mà người ta gọi là cynarin, có công thức C25H24O12. H2O mang hai phân tử acid cafeic và một phân tử acid quinic. Trong lá tươi ngoài cynarin, có một tannoid, hai heterosid flavonic là cyanosid và một chất khác không tan trong ether gọi là scolymosid. Các hợp chất polyphenol có trong lá non nhiều hơn lá già, ở phiến lá nhiều hơn cuống lá, ở chóp lá nhiều hơn gốc lá. Từ năm 1956 người ta tổng hợp được cynarin.

* Acid hữu cơ bao gồm:

-Acid phenol: Cynarin (acid 1 – 3 dicafeyl quinic) và các sản phẩm của sự thủy phân (acid cafeic, acid clorogenic, acid neoclorogenic).

-Acid alcol.

-Acid succinic.

* Hợp chất flavonoid (dẫn chất của luteolin), bao gồm:

Cynarozid ( Luteolin – 7 – D Glucpyranozid).

– Scolymozid (Luteolin – 7 – Rutinozid – 3’ – Glucozid).

* Các chất hóa học khác:

– Cynaopicrin là chất có vị đắng, thuộc nhóm Guaianolid.

– Dược điển Rumani VIII qui định dược liệu phải chứa trên 1% polyphenol toàn phần và 0,2% hợp chất flavonoid.

– Theo R. Paris, hoạt chất (polyphenol) tập trung ở lá, có nhiều nhất ở phiến lá (7,2%) rồi đến hoa (3,48%), đến cụm hoa, rễ, cuống lá.

– Lá chứa nhiều hoạt chất nhất: 1,23% polyphenol, clorogenic acid 4%, hợp chất flavonoid (đặc biệt là rutin), sau đó đến thân (0,75%), rễ (0,54%).

– Dẫn chất caffeic như acid clonogenic, acid neoclorogenic, acid cyptoclorogenic, Cynarin. Sesquiterpen lacton: Cynarpicrin, dehydrocynaropicrin, grossheimin, cynatriol.

Hoạt chất trong phiến lá cao gấp 10 lần trong cuống lá.

– Lá non chứa nhiều hoạt chất (0,84%) hơn lá mọc thành hình hoa thị ở mặt đất (0,38%). Nếu sấy ở nhiệt độ cao thì lá mau khô nhưng lại mau mất hoạt chất. Ở nhiệt độ thấp, việc làm khô sẽ lâu hơn. Lá cần được ổn định trước rồi mới chuyển thành dạng bào chế.

– Ngọn có hoa chứa inulin, protein (3,6%), dầu béo (0,1%), carbon hydrat (16%), chất vô cơ (1,8%0, Ca (0,12%),  P (0,10%),  Fe (2,3 mg/100g),  caroten  (60 Unit/100g tính ra  vitamin A).

Thành phần hóa học trong thân cây actisô

Thân và lá còn chứa muối hữu cơ của các kim loại K, Ca, Mg, Na. Hàm lượng kali rất cao.

Thành phần hóa học trong rễ cây actiso

Rễ hầu như không có dẫn chất của cafeic acid, bao gồm cả clorogenic acid và sesquiterpen lacton. Rễ chỉ đều thông tiểu chứ không có tác dụng tăng tiết mật (Herbal Medicine 1999).

Thành phần hóa học trong hoa cây actisô

Cụm hoa chứa 3-3,15% protid; 0,1-0,3% lipid; 11-15,5% carbohydrate , 82% nước, còn có các chất khoáng như mangan, phosphor, sắt, các loại vitamin: 300 (gama) vitamin A; 120 (gama) vitamin B1, 30 (gama) vitamin B2, 10 mg vitamin C. 100g actisô cung cấp cho cơ thể 50-70 calo.

Hoa actisô ăn rất tốt cho sức khỏe, nó cung cấp khoảng 9,3% carbohydrate, 1,5% chất xơ, rất ít chất béo và protein. Năng lượng cung cấp rất thấp, chỉ khoảng 40 đến 50 kcal nhưng lại rất giàu vitamin và chất khoáng như potassium, phosphorus, calcium,  sodium,  sulphor và  magnesium.

Hoa đặc biệt thích hợp cho người bị đái tháo đường do có rất ít đường. Hoa cũng giúp thải bớt chất độc cho những người mất cân bằng do uống nhiều rượu.

Hiện nay, người ta trồng actisô không những chỉ dùng lá bắc và đế hoa để ăn mà còn dùng làm thuốc.

Actisô có tác dụng hạ cholesterol và urê trong máu, tạo mật, tăng tiết mật, lợi tiểu, thường được làm thuốc thông mật, thông tiểu tiện, chữa các chứng bệnh về gan, thận. Trên thế giới, biệt dược Chophytol của hãng Rosa (Pháp) là thông dụng hơn cả.

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến

Lá (Folium Cynarae scolymi). Hoa (Flos Cynarae scolym).

Thu hái cụm hoa chưa nở làm rau ăn vào tháng 12-2.

Lá được thu hái lúc cây sắp ra hoa hoặc đang có hoa. Ở đồng bằng, thường thu hái một lần vào tháng 4-5 tuỳ tình hình thời tiết. Cắt toàn bộ thân lá về xử lý, có thể dùng cả rễ làm thuốc. Rọc bỏ sống lá. Dùng hơi nước sôi có áp lực cao để xử lý nhanh thân lá. Sau đó phơi hoặc sấy khô.

Công năng

Chống lão hóa, giải độc, hạ mỡ máu, mát gan, lợi tiểu.

Công dụng

Bông actisô bổ dưỡng, kích thích tiêu hoá, bổ gan, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, tăng tiết sữa, giảm đau dạ dày, rất cần cho những người bị đái tháo đường.

Thân lá chữa thiểu năng gan, vàng da, hạ cholesterol máu, vữa xơ động mạch, thừa urê huyết, thống phong, thấp khớp, sỏi niệu đạo, thuỷ thũng, làm tăng sự bài niệu. actisô là cây thuốc lợi mật được biết từ nhiều thế kỷ.

Có thể nói vị actisô và các chế phẩm của nó tạo nên một nhân tố kinh điển của thực vật liệu pháp nhằm kích thích sự bài tiết mật, kích thích tiêu hoá và tăng cường các chức năng bài tiết thận và tiêu hoá.

 

Cách dùng, liều lượng

Người ta sử dụng actisô dưới nhiều dạng, có thể dùng tươi hay khô hãm uống, sắc nước uống hặc nấu thành cao lỏng, cao mềm. Còn có dạng chiết tươi bằng cồn hoặc làm cồn thuốc.

Ngày 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay chè thuốc, cao mềm, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Trên thị trường có chế phẩm cao actiso dưới dạng viên nang và các chế phẩm dạng trà thuốc.

Trên thế giới, biệt dược Chophytol của hãng Rosa (Pháp) là thông dụng hơn cả.

 

BTV-KD

(Tổng hợp từ internet)